'Trong trái tim tôi luôn có Đà Nẵng'

Oyvin Storbaekken xuất hiện tại lễ trao tặng bức tượng mỹ thuật 'Sóng biển' của ông cho TP Đà Nẵng với cây gậy trên tay. Phong thái thong dong, thân thiện, cởi mở cùng sự hóm hỉnh, hài hước của nhà điêu khắc 71 tuổi đến từ đất nước Na Uy đã cuốn hút tôi. Đặt tay lên trái tim mình, ông xúc động thổ lộ: 'Mai đây khi trở về quê hương, trong tim tôi luôn có hình bóng Đà Nẵng'.

Nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken tại lễ trao tặng bức tượng mỹ thuật "Sóng biển" cho TP Đà Nẵng.

Kể về cuộc đời-sự nghiệp của mình, Oyvin cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên không am hiểu nhiều về nghệ thuật. 23 tuổi, một lần cùng những người bạn thực hiện chuyến du lịch bằng du thuyền quanh Địa Trung Hải, có dịp ghé thăm nhiều bảo tàng và các danh lam thắng cảnh, ngắm những bức tượng điêu khắc đẹp, tim ông xao xuyến và quyết định chọn nghệ thuật điêu khắc làm con đường lập thân. Đến nay, ông đã có 48 năm gắn bó với nghệ thuật điêu khắc, trong đó có hơn 20 năm giảng dạy tại 2 trường ĐH kiến trúc và mỹ thuật ở thủ đô Oslo (Na Uy)... Ông hóm hỉnh: "Tôi yêu nghệ thuật nhưng lại mù màu nên không vẽ được. Vì vậy, tôi chọn điêu khắc". Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông đến và gắn bó với Việt Nam, với Đà Nẵng gần 20 năm qua, ông bộc bạch: "Vợ chồng tôi biết Việt Nam từ những năm tháng đất nước hình chữ S này còn chiến tranh.

Qua các phương tiện thông tin, khi được biết Mỹ thả bom napan xuống sát hại dân thường Việt Nam, đặc biệt là vụ thảm sát ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ- Quảng Ngãi), chúng tôi rất bức xúc, cùng xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tôi có một người bạn Việt Nam là họa sĩ nổi tiếng ở Na Uy là Đặng Văn Tỷ, cũng bị thương do chiến tranh. Anh rất muốn trở về Việt Nam để tìm lại ba mẹ và tôi muốn đi theo anh ấy... Nơi lần đầu tiên tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam là thủ đô Hà Nội cách đây gần 20 năm, trong lần tham gia đợt sáng tác thực tế về tượng gỗ. Ngay từ lúc đó, tôi đã thấy rất yêu mến đất nước của các bạn. Tôi muốn tìm nơi để lập dự án nhằm liên kết các nhà điêu khắc quốc tế với các nhà điêu khắc, nghệ sĩ trong nước. Dự án này tôi xin tài trợ của Chính phủ Na Uy. Sở dĩ, tôi chọn Đà Nẵng bởi Hà Nội thì quá lạnh, Sài Gòn lại quá nóng. Vì thế, Đà Nẵng là nơi lý tưởng nhất. Đặc biệt, nơi đây có làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước, có nghề đục đá lâu đời nên lại càng lý tưởng để tôi lập dự án này".

Được biết, ngay khi đặt chân đến làng đá mỹ nghệ Non Nước, ông đã mê mẩn, ấp ủ dự định thành lập một trung tâm điêu khắc đá tại đây với mong muốn đưa điêu khắc Việt Nam phát triển thành một môn nghệ thuật thay vì quan niệm đây chỉ là một nghề thủ công. Ông cho biết, đặc biệt ấn tượng về con người Việt Nam. "Trên gương mặt xinh đẹp của các bạn luôn tươi cười. Đây chính là điểm nhấn đáng yêu nhất của người Việt Nam. Các bạn rất khác biệt với nhiều nước ở Phương Tây, đó là luôn luôn mỉm cười, rất thân thiện, dễ tiếp xúc". Khi hỏi vì sao trong những bức tượng điêu khắc của ông luôn có hình ảnh người phụ nữ, ông cười sảng khoái: "Tôi là một nghệ sĩ và rất yêu phụ nữ. Vì thế, tôi thường làm về những bức tượng phụ nữ đẹp. Cách đây 10 năm, tôi có tặng cho Đà Nẵng một bức tượng về 3 cô gái đẹp tượng trưng cho 3 miền Bắc- Trung- Nam. Bức tượng này được đặt tại công viên lộ thiên đường Trần Hưng Đạo. Tại Huế, tôi có bức tượng về 2 cô gái đẹp xuất phát từ ý tưởng về Hai bà Trưng nhưng theo phong cách thời hiện đại. Hai cô gái này không cưỡi trên voi mà trên mô-tô bay". Quan điểm của Oyvin, cái đẹp không phải từ thời trang, trang điểm mà từ tâm hồn toát lên trong đôi mắt và nụ cười!

Nhà điêu khắc Oyvin Storbaekken cùng lãnh đạo Sở VH-TT TP và Liên hiệp các Hội VHNT bên bức tượng "Sóng biển". Ảnh: P.T

Suốt cuộc trò chuyện, ông luôn nhắc về người vợ đã đồng hành cùng ông suốt 45 năm qua. Oyvin cho biết, trước đây, bà làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chống tệ nạn ma túy. 25 năm trước, vợ ông bị bệnh nặng nên không thể tiếp tục làm việc. Từ đó, bà đồng hành theo ông đến Việt Nam. "Chúng tôi là một sự kết hợp hài hòa tuyệt vời! Tôi có sức khỏe, làm việc bằng con mắt, tâm hồn nghệ thuật và bằng... cơ bắp. Còn cô ấy với đầu óc rất thông minh, khôn khéo nên hỗ trợ tôi rất nhiều trong vấn đề giấy tờ, sổ sách... Chúng tôi có một con gái rất xinh đẹp hiện đang là cảnh sát trưởng. Ở Na Uy, để trở thành cảnh sát phải nằm trong tốp đầu điểm đỗ đại học. Con gái tôi sắp sinh em bé, vì thế, tôi sắp được lên chức ông ngoại"- gương mặt ông sáng ngời khi kể về vợ con. Gắn bó với Đà Nẵng gần 20 năm qua, Oyvin cho biết, ông thật sự ngỡ ngàng trước sự phát triển của Đà Nẵng. "Đó là sự phát triển vượt bật không thể tưởng tượng được. Rất khó tưởng tượng hình ảnh của Đà Nẵng hôm nay với Đà Nẵng của 20 năm trở về trước"- ông nhận xét. Trở về Na uy lần này, Oyvin không biết còn đủ sức khỏe để có thể quay trở lại Việt Nam nữa hay không. Tuy nhiên, có một điều ông chắc chắn, những kỷ niệm đẹp về những năm tháng gắn bó với đất và người Đà Nẵng sẽ luôn ở trong tim ông. Đặt tay lên trái tim mình, ông xúc động thổ lộ: "Đà Nẵng là một phần rất quan trọng trong trái tim tôi. Mai đây khi trở về Na Uy, trong tim tôi luôn có hình bóng Đà Nẵng". Tác phẩm "Sóng biển" mà ông trân trọng tặng TP để đặt tại giao lộ đường Võ Văn Kiệt- Võ Nguyên Giáp là tình cảm, là món quà thay lời tạm biệt của ông dành cho mảnh đất thân thiện, hiếu khách này. Ông cho biết, tác phẩm nghệ thuật này được lấy cảm hứng từ hình ảnh biển cả gắn bó thân thương bao đời nay với người dân Đà Nẵng. Hình ảnh người phụ nữ nằm nghiêng với cánh tay giơ lên được cách điệu thành những con sóng thể hiện chủ đề bao trùm: biển cả như người mẹ luôn vỗ về, chở che cho người Đà Nẵng...

Chia tay chúng tôi, ông nhắn gửi lời cảm ơn chân thành đến chính quyền, người dân Đà Nẵng đã dành cho vợ chồng ông những điều tốt đẹp, luôn giúp đỡ, quan tâm trong suốt quãng thời gian làm việc tại Đà Nẵng. Đồng thời mong muốn chúng tôi- những người công tác trên lĩnh vực báo chí- tiếp tục đồng hành cùng Quỹ Điêu khắc đá Đà Nẵng, đặc biệt là Giám đốc điều hành Phan Quỳnh Hương- người ông đặc biệt trân quý- để Quỹ tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu phát triển nghệ thuật điêu khắc ở Đà Nẵng, góp phần vào sự phát triển của ngành điêu khắc Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc trong và ngoài nước...

P.Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_181345_-trong-trai-tim-toi-luon-co-da-nang-.aspx