Trọng trách Luật sư là đi tìm chân lý, đảm bảo công bằng cao nhất trong mỗi vụ án

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật Chính Pháp Pháp – Đoàn Luật sư TP HN) cho rằng, trọng trách của người hành nghề luật là phải đi tìm chân lý, đảm bảo được mức độ công bằng cao nhất trong mỗi vụ án.

Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10), PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn với Thạc sĩ luật học – luật sư Đặng Văn Cường về quá trình hàng chục năm gắn bó với nghề của anh và những trăn trở đến bạc tóc sau mỗi vụ án, phiên tòa.

Luật sư xuất thân từ người lính

- Trước khi là Luật sư, được biết anh là một quân nhân, vậy cơ duyên nào đưa đẩy anh đến với nghề luật sư?

Tuổi trẻ tôi có nhiều dự định, hoài bão… muốn thử sức mình ở nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Tôi từng làm công nhân xây dựng trước khi trở thành quân nhân thuộc quân chủng Phòng không không quân.

Khi là quân nhân, được giao nhiệm vụ điều khiển tên lửa, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng trời Đông Bắc của tổ quốc, thấy vinh dự và tự hào. Những năm tháng trong quân ngũ không nhiều (3 năm) nhưng là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa và quý giá. Thời gian đó đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh sống, sống có mục đích, có lý tưởng và biết trân trọng tình anh em, đồng chí, tình người hơn.

Vinh dự nhất có lẽ là việc được kết nạp Đảng ngay từ năm thứ hai, khi còn mang quân hàm binh nhất. Những cống hiến được bạn bè, đồng chí, đơn vị ghi nhận và tôi cũng bắt đầu trưởng thành từ đó.

Thời gian là người lính, thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bình yên cho đất nước, tôi thấy cuộc sống tuổi trẻ thực sự có ý nghĩa khi góp phần nhỏ bé để bảo vệ, giữ gìn được sự bình yên cho tổ quốc. Yêu mến công bằng, lẽ phải, bình yên cũng từ đó mà nảy sinh.

Song khi rời quân ngũ tôi lại theo học công nhân kỹ thuật, nhưng được sự động viên của bạn bè, thầy cô tôi tiếp tục thi đại học và chọn Đại học Luật Hà Nội.

Lúc đầu thực sự tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về luật và ngành luật. Tuy nhiên, càng học càng thấy đam mê và có sự cuốn hút đến kỳ lạ.

Ngày đó, buổi sáng tôi lên giảng đường, buổi chiều lại đạp xe đạp đến tòa án thành phố Hà Nội để dự các phiên tòa, nghe các luật sư tranh tụng. Nghe các luật sư tranh tụng, thấy khẩu khí, trang phục, tác phong, bản lĩnh và sự hiểu biết sâu rộng uyên bác của họ khiến tôi cảm thấy yêu nghề luật hơn, mong rằng một ngày nào đó trở thành một sư, được tranh tụng tại phiên tòa.

Thời gian vừa đi học, vừa lên dự phiên tòa đã giúp tôi có nhìn nhận, đánh giá phần nào về nghề luật, những khó khăn, trăn trở và những đóng góp của nghề này đối với xã hội.

Ra trường, tôi có thời gian giảng dạy chuyên ngành luật cho cơ sở 2 của trường Đại học Chu Văn An và trường Cao đẳng Bách Khoa. Thời gian làm giảng viên, nhiều sinh viên cũng hỏi những tình uống thực tiễn của gia đình, tôi tư vấn, giải thích cho các em ở góc độ kiến thức lý thuyết nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Tôi nhận thấy chỉ tư vấn là không đủ và không hiệu quả, rất nhiều vụ việc cần phải có luật sư trực tiếp tham gia thì mới bảo vệ được quyền lợi của thân chủ. Điều đó thôi thúc tôi chuyển sang nghề luật sư.

 Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật Chính Pháp Pháp – Đoàn Luật sư TP HN)

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật Chính Pháp Pháp – Đoàn Luật sư TP HN)

Niềm vui lớn nhất của mình là minh oan được cho các bị cáo

- Trong thời gian hành nghề luật sư, anh có thể điểm qua những vụ án anh đã bảo vệ và để lại nhiều dấu ấn với bản thân?

Kết thúc tháng 9 hàng năm là tòa án kết thúc năm xét xử, những luật sư tranh tụng khi đó mới được nghỉ ngơi và nhìn nhận lại một năm hành nghề của mình. Gần như năm nào cũng có những vụ án thành công, cũng để lại những cảm xúc, ký ức về nghề nghiệp. Những thành công và sự tin yêu của thân chủ, của nhân dân đối với luật sư là niềm tự hào, là động lực thúc đẩy những luật sư như mình vững vàng, tiến bước trên con đường góp phần bảo vệ công lý.

Trong những vụ án hình sự, niềm vui lớn nhất của tôi là minh oan được cho các bị cáo.

Trong thực tiễn, không phải tất cả các vụ án đều có thể được minh oan, song, bằng những tranh luận của luật sư để bảo vệ thân chủ, tòa án đã tuyên những bản án đúng người, đúng tội, hợp lý hợp tình, thay đổi tội danh đúng bản chất vụ án… thân chủ không phải chịu tù tội, được trở về với gia đình, hài lòng với kết quả thế là vui rồi.

Có thể kể đến như vụ án “Đá vào chân mang tội giết người ở Hà Nội”, tòa án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án 7 năm tù, sau khi kiên trì bào chữa thì tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên bố bị cáo phạm tội gây rối trật tự công cộng và cho hưởng án treo.

Còn rất nhiều những vụ án khác khiến tôi ấn tượng, nhưng có lẽ vui nhất là những vụ án minh oan cho thân chủ trong các vụ án hình sự, thành công trong các vụ án hành chính, cũng như khi bảo vệ được quyền lợi về vật chất, tinh thần cho những người yếu thế trong xã hội.

Trong tranh tụng thì khó nhất là những vụ án kêu oan, án hành chính và những vụ án mà bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Không hiểu cơ duyên nào mà mình lại rất hay nhận những vụ án như thế, có lẽ những vụ án khó thì mới có cơ hội thử sức mình, có động lực thôi thúc mình tiến bước và đó cũng là những vụ án sẽ rất nhiều cảm xúc, tự hào mỗi khi thành công.

Với những vụ án mà vừa bảo vệ được quyền lợi về tài sản của thân chủ, vừa hóa giải được mâu thuẫn, thù oán giữa thân chủ với các đương sự khác thì niềm vui của luật sư như được nhân đôi.

Tôi vẫn luôn quan niệm rằng, thành công của luật sư trong tranh tụng là khi vụ án khép lại thì kết quả phải là lẽ công bằng và luật sư khẳng định được vai trò, vụ thế của mình trước xã hội. Cái đó thể hiện qua các yêu tố như khi vụ án kết thúc thì các bên đường sự đã chấm dứt tranh chấp hay chưa, đã tâm phục, khẩu phục với kết quả giải quyết hay chưa? những gì luật sư làm được đã được thân chủ ghi nhận hay chưa, cơ quan tiến hành tố tụng và các luật sư đồng nghiệp đánh giá mình như thế nào về hoạt động tranh tụng của mình ? Vụ việc khép lại thì phải mang lại được bài học cho rất nhiều người để những vụ việc như thế không còn có nguy cơ xảy ra trong xã hội.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trọng trách Luật sư là đi tìm chân lý, đảm bảo công bằng cao nhất trong mỗi vụ án

Những điều trăn trở

- Với vai trò luật sư, điều gì về cơ chế, chính sách pháp luật khiến anh còn trăn trở sau các bản án?

Pháp luật là một hệ thống hoàn chỉnh, tuy nhiên xã hội luôn phát triển, nhiều quan hệ xã hội mới ra đời, biến đổi. Bởi vậy việc nghiên cứu pháp luật để kịp thời chỉ ra những vấn đề bất cập, tồn tại, đề xuất các phương hướng để sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật là cần thiết là trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng mà của cả những người hành nghề luật.

Là một luật sư tham gia tranh tụng, đồng thời cũng là người đam mê nghiên cứu khoa học, là thạc sĩ, nghiên cứu sinh luật hình sự nên tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ pháp luật.

Bởi vậy trong nhiều năm qua, tôi thường xuyên tham gia đóng góp vào các dự án xây dựng pháp luật cũng như kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp.

Mỗi một vụ án khép lại mà kết quả chưa được như ý lại là một sự trăn trở về hoạt động hành nghề cũng như về hệ thống pháp luật, về cơ chế chính sách để thực hiện pháp luật, về cách hiểu thống nhất đối với những điều luật và áp dụng pháp luật. Bởi vậy, thực tiễn là những kinh nghiệm quý báu giúp tôi có những kiến nghị, đề xuất hợp lý trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật.

- Trong công việc, mỗi người đều có cho bản thân mình những mục đích, lý tưởng cụ thể. Với anh thì đó là gì?

Mỗi con người có một ước mơ, hoài bão và lý tưởng khác nhau. Với tôi thì trọng trách của người hành nghề luật là phải đi tìm chân lý, đảm bảo được mức độ công bằng cao nhất trong mỗi vụ án.

Bản thân một mình mình thì khó có thể làm được điều gì lớn lao, tuy nhiên với niềm đam mê và sự cống hiến của mỗi người thì xã hội sẽ công bằng, dân chủ, văn minh hơn, những người bị oan ức, thiệt thòi sẽ giảm dần theo thời gian.

Bởi vậy cứ vui mà sống, hãy làm hết mình những gì mà mình cho là đúng, có tình, có lý. Trách nhiệm của luật sư theo quy định của pháp luật là góp phần bảo vệ công lý, người luật sư thì phải tôn trọng pháp luật, thực hiện quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp luật sư. Có tài, có tâm, có ước mơ hoài bão và khát vọng cháy bỏng thì mới thành công.

Điều quan trọng vẫn là phải có tâm với nghề, như Nguyễn Du từng nói “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Xin cảm ơn luật sư!

Xem thêm video: Luật sư Đặng Văn Cường phân tích về sai phạm của Đỗ Văn Minh Lâm Đồng

Nguồn: Thế Giới Việt Nam

Gia Đạt - Đức Thuận

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/trong-trach-luat-su-la-di-tim-chan-ly-dam-bao-cong-bang-cao-nhat-trong-moi-vu-an-1445448.html