Trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Chiều 26/9, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 - 30/9/2020).

Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Phùng Khánh Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo Quân khu 4, Tỉnh ủy Hà Tĩnh;…

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và đồng chí Lê Hồng Phong;…

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày diễn văn ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai; đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các đồng chí tiền bối cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh năm 1910, trong một gia đình viên chức tại thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh) tỉnh Nghệ An.

Thừa hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình và truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của quê hương xứ Nghệ, ngay từ khi còn nhỏ, đồng chí đã nặng lòng với nỗi khổ đau của những người lao động lầm than.

Năm 1927, khi mới 17 tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng. Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng các đồng chí khác đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở Vinh mạnh lên, tạo ra bước chuẩn bị rất quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ cộng sản.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí được kết nạp, trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy thuộc tỉnh Nghệ An và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.

Tháng 3/1930, đồng chí được cử sang Hương Cảng, Trung Quốc, công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

Thời gian này, đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện lý luận và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng chí đã kiên trì tự học và biết sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Tháng 4/1931, đồng chí bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt và giao cho chính quyền Quốc dân Đảng ở Quảng Châu; sau đó nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ, năm 1933, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được thả tự do.

Tháng 8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 7 Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Tiếp đó, đồng chí tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ 6 Quốc tế Thanh niên cộng sản. Trong thời gian từ năm 1935 đến năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai theo học khóa ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được phân công về công tác tại Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng nữ Bí thư Thành ủy vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ và luôn nhận được sự tin yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào. Đồng chí là diễn giả xuất sắc của nhiều cuộc hội nghị, mít tinh lớn ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam đồng chí tại Khám Lớn - Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi, sáng ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai cùng với một số đồng chí trung kiên khác của Đảng ta ở huyện Hóc Môn.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Với 31 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

“Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Bầu nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn dành cho Đảng và Nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần cùng Nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Đại diện thế hệ trẻ tỉnh Nghệ An dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Phạm Bằng

Trong công cuộc đổi mới, nhất là thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

“Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, chúng ta bồi hồi và xúc động ôn lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí, đồng thời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải luôn nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc”.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Em Nguyễn Thị Quỳnh Anh - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đại diện tuổi trẻ tỉnh nhà phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Đại diện cho tuổi trẻ tỉnh nhà, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh - học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã có bài phát biểu bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

“Tuổi trẻ chúng cháu hôm nay nguyện ra sức phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đoàn kết, nhân ái, sống có bản lĩnh, có văn hóa, có ý thức trách nhiệm với xã hội để xứng đáng là lớp người kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu và các bậc tiền bối cách mạng”, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh bày tỏ.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày ảnh về cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thành Duy

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 - 30/9/2020) là hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa quan trọng nhằm tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân cuộc đời cao đẹp, những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; đồng thời tuyên truyền, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, đổi mới sáng tạo, hy sinh, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Thành Duy - Phạm Bằng

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/trong-the-le-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-nguyen-thi-minh-khai-274703.html