Trong thế giới tiền ảo (Kỳ cuối: Tiềm ẩn nhiều rủi ro vì thiếu chế tài)

Dù chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận cũng như chấp nhận trong các giao dịch, thanh toán nhưng các đồng tiền ảo hiện nay vẫn thu hút nhiều người đầu tư.

Dù chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận cũng như chấp nhận trong các giao dịch, thanh toán nhưng các đồng tiền ảo hiện nay vẫn thu hút nhiều người đầu tư. Một thị trường mua bán, chuyển nhượng, tiêu dùng vẫn diễn ra trong khi vì thiếu quy định, thiếu quản lý nên việc bảo vệ người chơi, nhà đầu tư vẫn đang là dấu chấm hỏi.

Cần có khung pháp lý để quản lý và bảo vệ những nhà đầu tư tiền trên mạng. Giao dịch mua bán đồng Bitcoin ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Đà Nẵng, người chơi tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số… hiện khá nhiều. Tuy nhiên, chưa có vụ việc nào liên quan đến các vấn đề ANTT, kiện tụng xảy ra, thế nhưng, việc đảm bảo an toàn cho người chơi các loại tiền này vẫn đang là một dấu chấm hỏi.

Liên quan đến các vấn đề tiền ảo, tiền kỹ thuật số mà cụ thể nhất là đồng Bitcoin, vụ việc liên quan đến tính pháp lý đáng chú ý nhất là khi cuối tháng 9-2017 này, TAND tỉnh Bến Tre đưa vụ án kiện quyết định truy thu thuế vì kinh doanh tiền điện tử (Bitcoin) ra xét xử sơ thẩm. Số tiền thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân mà ông N.V.C (trú TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) bị truy thu lên đến gần 2,6 tỷ đồng. Trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã ra quyết định truy thu thuế đối với việc kinh doanh tiền điện tử của ông N.V.C.

Ông này cho rằng, bản thân đã xin đăng lý kinh doanh, nhưng không được cấp phép vì pháp luật không có quy định kinh doanh Bitcoin là một loại hình kinh doanh nên việc truy thu thuế với ông là sai. Trong khi đó, cơ quan thuế lại cho rằng tiền điện tử là tài sản, bởi người sở hữu tiền kỹ thuật số có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự… Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ và quy định của pháp luật, TAND tỉnh Bến Tre đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu trong đơn kiện của ông N.V.C và tuyên hủy các quyết định về việc truy thu thuế đối với việc ông tham gia trao đổi tiền điện tử Bitcoin.

Bitcoin hay các loại tiền kỹ thuật số khác không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính nào mà chỉ do các lập trình viên tạo ra. Việc lưu thông, kinh doanh trên thị trường của loại tiền này hiện chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Và đến nay, hệ thống các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa xem tiền điện tử như Bitcoin là hàng hóa dịch vụ hay phương thức ngang giá trong thanh toán. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo người dân không nên tham gia giao dịch các loại tiền điện tử như Bitcoin trên Internet vì nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp sẽ không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm khi lỡ giao dịch với tội phạm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn coi đây là một loại tài sản và tiếp tục đầu tư. Anh Nguyễn Minh Hoàng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), một người đầu tư Bitcoin phân tích, Bitcoin cũng giống những tài sản khác như chứng khoán, bất động sản… Người chơi cũng có thể mua, bán để thu hồi vốn, chốt lời nên cũng là một kênh đầu tư. Và tất nhiên khi đầu tư thì cũng có rủi ro nhất định như cổ phiếu, bất động sản lên xuống do thị trường. “Ở lĩnh vực đầu tư nào cũng có những con cá mập. Như trong đầu tư chứng khoán thì có những người làm giá, trong bất động sản thì có cò đất tạo nên những cơn sốt ảo... Tuy nhiên, muốn đầu tư vào lĩnh vực nào thì trước tiên nhà đầu tư cũng phải tìm hiểu kỹ” - anh Hoàng chia sẻ.

Ngoài vấn đề pháp lý, chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của thị trường nước ngoài thì việc các hacker luôn rình rập, trộm tài khoản… cũng là nỗi lo lớn của người chơi. Ngoài ra, cũng vì chơi nhỏ lẻ nên các nhà đầu tư thường phải gom về một đầu mối (giống chơi biêu trong thực tế) để mua, bán nên nếu bị đầu mối ôm tiền thì cũng không biết kiện ai vì tất cả chỉ là giao dịch điện tử. Đối với một số người có hiểu biết về CNTT, hiểu về quy trình đầu tư tiền điện tử, tiền ảo thì họ tự chọn sàn giao dịch, tự tạo tài khoản và ví tiền trên sàn rồi chủ động tìm kiếm các giao dịch mua bán. “Thường thì mình chơi nhỏ lẻ, mua bán ít nên sẽ chia ra các rổ nhỏ. Không hoạt động một vài ngày thì nghỉ để tránh hacker theo dõi, đồng thời cũng chủ động hơn trong việc mua bán” - anh Tùng, nhà đầu tư Bitcoin cho biết.

Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho biết, hiện nay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa thừa nhận các dạng tiền này là phương thức thanh toán và pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể. Chính vì điều này, bản thân ông khuyên người dân phải hết sức cẩn thận, tìm hiểu kỹ hoặc không nên đầu tư vào những hình thức này để tránh những tổn thất về kinh tế.

Tuy nhiên, với sự phát triển từng ngày của khoa học công nghệ như hiện nay, thì một phương thức thanh toán mới, thanh toán bằng các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số dần đang trở nên phổ biến. Đặc biệt vào tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1255 phê duyệt “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

Theo nội dung Văn bản số 1225/QĐ-TTg thì Đề án cần được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành phân tích các mối quan hệ (giữa tiền ảo, tài sản ảo) với tài sản thực, tiền thực, vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật… để từ đó thực hiện các bước xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo… tại Việt Nam.

Có thể, trong tương lai gần, các quy định pháp lý về các đồng tiền ảo sẽ được đưa ra, từ đó vừa giúp bảo vệ người đầu tư trong nước, vừa có chế tài để xử lý các vi phạm cũng như tránh việc thất thu thuế từ các hoạt động mua bán, giao dịch các đồng tiền ảo trong thực tế.

TUẤN ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_174468_.aspx