Trong thai kỳ và sau sinh, mẹ nên 'GIỮ DÁNG' thế nào để con vẫn khỏe mạnh?

Nếu mẹ muốn không lên cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai và chăm con nhỏ mà bé vẫn phát triển tốt thì hãy đọc ngay những điều này!

Tác hại khi bà bầu kiêng ăn quá mức

Ngày xưa, người ta quan niệm phụ nữ phải “tròn trịa” thì mới là đẹp và có quý tướng, lại dễ sinh con. Nhưng ngày nay, chị em lại theo đuổi một thân hình thon thả, thậm chí có người còn cho rằng phải gầy một chút thì mới đúng chuẩn cái đẹp đương thời. Chính vì suy nghĩ này, không ít chị em phụ nữ vẫn giữ thói quen ăn uống kiêng khem ngay trong thời kỳ mang thai. Bạn không biết rằng, nếu kiêng ăn quá mức sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi, đồng thời cũng có nhiều tác hại đối với bản thân bà bầu.

Từ khi bắt đầu thụ tinh, thai nhi không ngừng tăng trưởng và phát triển để hoàn thiện quá trình hình thành não bộ, hệ thần kinh, nội tạng, xương khớp, cơ lông v.v… Toàn bộ quá trình này hoàn toàn phụ thuộc vào dịch khí huyết mà cơ thể mẹ cung cấp, trong khi đó dịch khí huyết này lại hoàn toàn đến từ thức ăn mà mẹ hấp thu vào. Vì vậy, nếu mẹ ăn uống không đủ chất khiến cho tiền đề tiên thiên không đủ thì hệ miễn dịch của trẻ khi được sinh ra cũng yếu kém, quá trình sinh trưởng phát dục gặp trở ngại, thậm chí ảnh hưởng đến não bộ và trí tuệ của trẻ.

Ngoài ra, thời kỳ mang thai thì thành phần dinh dưỡng tinh hoa nhất trong cơ thể mẹ sẽ cung cấp cho thai nhi. Nếu mẹ kiêng ăn, dưỡng chất hấp thu thiếu hụt thì cơ thể sẽ phải “huy động” đến tinh hoa nội tại của cơ thể mẹ để chuyển hóa thành khí huyết cho thai nhi sử dụng. Từ đó làm tiêu hao tinh khí của mẹ, gây hại cho sức khỏe trong thời kỳ mang thai.

Mẹ ăn như thế nào để tốt nhất cho mình và thai nhi?

Cho dù điều kiện kinh tế thoải mái thì không có nghĩa là bạn phải ăn uống quá nhiều, vô tội vạ mới tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Ăn uống khoa học ở đây nghĩa là cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, thời gian cũng như lựa chọn nguyên liệu thực phẩm và cách chế biến thế nào. Ngoài ra, chế độ nghỉ ngơi của bà bầu cũng cần phối hợp một cách hợp lý với chế độ ăn uống mới đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con.

Do tốc độ sinh trưởng của em bé trong bụng mẹ khá nhanh, cần được cung cấp một lượng khí huyết lớn nên mẹ cần ăn nhiều hơn một chút so với bình thường. Tuy nhiên, bạn cần chú ý trong 3 tháng cuối thai kỳ, tuyệt đối không nên để thể trọng của mẹ tăng quá nhanh để tránh tình trạng sinh khó.

Sau khi mang thai, thể trạng của mẹ chắc chắn sẽ có thay đổi nhưng điều này không phải là vấn đề. Chỉ cần thể trọng của mẹ tăng trưởng bình thường và hợp lý, đồng thời sức khỏe của thai nhi cũng phát triển tốt đó mới là điều cần quan tâm.

Thời kỳ cho con bú, mẹ có thể kiêng ăn để lấy lại vóc dáng không?

Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có lợi cho sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh mà nó còn hỗ trợ tốt để phục hồi tử cung và thể hình cho mẹ. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ cảm thấy sau khi sinh con, thân hình trở nên sồ sề, khó coi nên cật lật nghĩ cách để lấy lại vóc dáng. Nếu bạn nghĩ rằng em bé đã sinh ra thì chuyện kiêng ăn sẽ không ảnh hưởng gì quả là sai lầm.

Khi đang cho con bú, nếu bạn nhịn ăn hoặc dù nhiều biện pháp giảm cân khác một cách vô độ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của cơ thể, đồng thời chất lượng sữa cho bé cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, các chuyên gia cũng không kiến nghị bạn phải ăn quá nhiều để có sữa cho con, chỉ cần ăn uống điều độ, phối hợp thực phẩm đa dạng, đảm bảo đủ chất và lượng sữa cho em bé phát triển là tốt nhất.

Về việc lấy lại vóc dáng, bạn có thể đợi đến khi cai sữa cho bé mới kiểm soát lại thực đơn và luyện tập giảm cân, chỉ cần kiên trì thì sẽ nhanh chóng đạt được thể hình như bạn mong muốn.

Kế hoạch lấy lại vóc dáng cho mẹ sau khi bé đã cai sữa

Sau khi bạn đã cai sữa cho bé thì có thể giảm lượng ăn dần dần. Thực tế, cai sữa rồi thì cơ thể mẹ cũng không cần nhiều dinh dưỡng như trước, tự động sẽ phát tín hiệu giảm đi cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, nếu sau khi sinh con khoảng 1 năm mà bạn vẫn mập quá mức, có thể thấy cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể bạn bị mất cân bằng, hoặc gặp vấn đề sức khỏe nào đó, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên môn để được hỗ trợ.

Trong tình trạng bình thường, đầu tiên bạn nên giảm bữa tối đi một nửa, sau đó là giảm 1/10 lượng cơm mỗi bữa ăn. Duy trì một tuần, sau đó cứ cách 1 tuần bạn lại giảm thêm 10% lượng thức ăn cho đến khi thể trọng trở về con số bình thường mà bạn mong muốn.

Thiên Khuê

Nguồn: Epochtimes, Pcbaby

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/trong-thai-ky-va-sau-sinh-me-nen-giu-dang-the-nao-de-con-van-khoe-manh-20181109085928935.htm