Trọng tâm mùa đại hội ngân hàng: Không thể thiếu tái cơ cấu xử lý nợ xấu

Để tăng vốn theo Basel 2, giải pháp khả quan nhất của hầu hết các ngân hàng là bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, để tăng vốn theo Basel 2, giải pháp khả quan nhất của hầu hết các ngân hàng là bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Và để nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của các ngân hàng.

Về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính từ năm 2012 đến nay, số nợ xấu được hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý là khoảng 900 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì đến cuối năm 2018 ở mức dưới 2%.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán, nợ xấu đang tăng mạnh tại một số nhà băng. Chẳng hạn, nợ xấu nội bảng tại một ngân hàng thương mại trong năm 2017 và 2018 tăng lần lượt 19 nghìn tỷ đồng và 33 nghìn tỷ đồng. Hay tại BIDV, tính đến cuối năm 2018, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này là 16.697 tỷ đồng, tăng 18,7% so với đầu năm.

Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết: “Xem xét nợ nội bảng, chúng tôi nhận thấy chất lượng tài sản đang có diễn biến theo chiều hướng khác nhau. Do cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng gần đây tăng trưởng nhanh, nợ xấu tại một số ngân hàng đang có xu hướng tăng dần. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2019, khiến cho chi phí dự phòng tăng lên ở một số nhà băng”.

Cùng chung nhận định, nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP.HCM về BIDV cho biết, trong năm 2018, Ngân hàng đã trích lập dự phòng ở mức cao kỷ lục là 18.893 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2017. Tổng chi phí dự phòng tích lũy của BIDV từ năm 2013 đến cuối năm 2018 là 62,08 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,3% tổng dư nợ năm 2012 và 9,98% dư nợ bình quân trong giai đoạn 2012 - 2018.

Trong khi đó, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, riêng dự phòng rủi ro cho tín dụng cuối năm 2018 đã tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017.

Trong bối cảnh này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN xác định mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại về tài chính, hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi tổ chức và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Ðồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

“Việc xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững”, ông Kim Anh nói.

Ðể đạt các mục tiêu trên, NHNN đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả Ðề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các tổ chức tín dụng.

Ðặc biệt là việc thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, quản trị, điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp về xử lý nợ xấu, nhất là các giải pháp theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội.

“NHNN tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các quy định pháp luật về tăng cường năng lực quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, đặc biệt là tổ chức tín dụng có nợ xấu cao và đang tiếp tục tăng nhanh; giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khác và lãi dự thu phải thoái để có nhận định, đánh giá một cách đầy đủ về thực trạng nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát trọng tâm về chất lượng tín dụng, diễn biến nợ xấu; giám sát chặt chẽ khách hàng có dư nợ lớn, các khoản nợ cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo phương án xây dựng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận kiểm soát nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng quy định; chủ động thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu…

“NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai xây dựng Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó các tổ chức tín dụng có vi phạm về sở hữu cổ phần sẽ thực hiện rà soát, đánh giá và xây dựng các giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm xử lý tình trạng sở hữu cổ phần vượt quy định; nghiêm túc thực hiện việc thoái vốn đối với các khoản đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần mà pháp luật không cho phép; thực hiện thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực không có hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro…”, Phó Thống đốc Kim Anh cho biết.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/trong-tam-mua-dai-hoi-ngan-hang-khong-the-thieu-tai-co-cau-xu-ly-no-xau-257520.html