Trọng tài nợ Serena Williams hay chính cô nợ Osaka lời xin lỗi?

Trong một bài phân tích, nhà phê bình văn hóa Soraya Nadia McDonald cho thấy mặt trái của câu chuyện giữa Serena Williams và trọng tài Carlos Ramos ở chung kết Mỹ mở rộng 2018.

Bước vào giải đấu được tổ chức trên sân nhà, Serena Williams tràn đầy khí thế trên con đường chinh phục chức vô địch Grand Slam danh giá lần thứ 24 trong làng banh nỉ thế giới.

Serena Williams chưa thể có danh hiệu Grand Slam lần thứ 24 trong sự nghiệp.

Serena có thực sự bị đối xử bất công?

Tuy nhiên, câu chuyện của bà mẹ sau sinh không thể đi đến kết thúc viên mãn. Ngược lại, đối thủ của cô, Naomi Osaka, 20 tuổi, mới là người viết nên giấc mơ cổ tích khi lên ngôi vô địch ngay trong lần đầu tiên tham dự một trận chung kết Grand Slam.

Cô em nhà Williams có thể buộc tội trọng tài là "kẻ trộm", đã cướp điểm và vinh quang của cô. Ở khía cạnh khác, có lẽ chính Serena mới là người cướp đi niềm vui của đối thủ, một cô gái trẻ xứng đáng được hạnh phúc trong trận chung kết đặc biệt của đời mình.

Theo lý lẽ của Serena, cô "đã thấy những tay vợt nam gọi trọng tài bằng những cái tên khác, nhưng không ai trong số họ phải chịu phạt". Đó là lý do cô tin rằng mình đang sống trong nghịch cảnh bất bình đẳng giới và quyết tâm "chiến đấu vì quyền lợi và quyền bình đẳng của phụ nữ".

Năm 2009, trong trận bán kết với Kim Clijsters, khi Serena đang thua 5-6 trong set đấu thứ 2 (set 1 cô cũng nhận thất bại), cô mắc phải lỗi chân và bị mất điểm. Người ta gọi đó là "lỗi tưởng tượng" khi không có góc máy quay nào xác định lại tình huống đó liệu Serena đã mắc lỗi thật hay chưa.

Trên sân, Serena có phản ứng vô cùng gay gắt với nữ trọng tài biên: "Tôi thề sẽ lấy quả bóng này và nhét nó xuống cổ họng của cô, đã nghe rõ chưa?".

Khi biên tập viên Claudia Rankine xuất bản cuốn "Citizen: An American Lyric" vào năm 2015, tác giả có phần trầm ngâm khi mà Williams luôn cho rằng mình phải nhận sự thiếu tôn trọng trong suốt sự nghiệp của mình, khi thực tế không đến nỗi đen tối như vậy.

"Trong mọi trường hợp, thật khó để không nghĩ rằng Serena đang quên mất hoàn cảnh lúc đó, khi cô không tuân theo quy tắc hành xử văn minh nào. Có thể là bởi cô ấy bị mắc kẹt trong ảo tưởng về phân biệt chủng tộc, trong sự hoài nghi khi mình mang màu da đen ở Mỹ. Thế nên, cô chẳng còn để tâm vào trận đấu mình đang dự nữa, mà chỉ còn lòng thù ghét do những bất công trong quá khứ", trích dẫn từ cuốn sách.

Một tập hợp những nghi ngờ và nhạy cảm đó dồn về trong trận chung kết thứ 7, thông qua những hành động có phần khiếm nhã của chính Serena trên sân: đập vợt, chỉ tay vào mặt trọng tài và sử dụng từ "kẻ trộm" với người đang có quyền điều khiển trận đấu.

Vinh quang không trọn vẹn của Osaka

Osaka khóc trong khoảnh khắc vinh quang.

Những quyết định nghiêm khắc của trọng tài Carlos Ramos giáng xuống Williams như ngầm khẳng định ông từ chối tôn trọng một VĐV không trung thực và văn minh trên sân.

Rõ ràng, sự lộng hành của Serena không phải là điều đáng được cổ xúy trong những trận đấu đỉnh cao của làng banh nỉ. Cô xứng đáng bị trừng phạt bởi thái độ thiếu thiện chí như vậy.

Còn với Osaka, trong khoảnh khắc vinh quang của chính mình, tay vợt người Nhật Bản lại phải kéo sụp mũ xuống như thể đang phải chịu đựng sự xấu hổ. Đây có lẽ phải là giây phút được nói những lời hạnh phúc đáng nhớ trong cuộc đời, chứ không phải là lời nói như bị ép buộc phải xin lỗi. Xin lỗi vì đã chiến thắng.

"Tôi biết rằng mọi người đến đây để cổ vũ cho cô ấy. Tôi xin lỗi vì để kết thúc như thế này. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn vì các bạn đã đến xem trận đấu", Osaka thổn thức.

Ngay đến chính Serena trong cuộc họp báo cũng phải thổ lộ rằng mình rất buồn khi phải chứng kiến những giọt nước mắt của cô gái trẻ: "Tôi không chắc những giọt nước mắt của Osaka là hạnh phúc hay buồn bã. Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy rằng đó không phải là cảm xúc khi tôi chiến thắng Grand Slam lần đầu tiên trong đời".

Vô địch Grand Slam là khát vọng trọn vẹn của bất kỳ tại vợt nào trên thế giới. Osaka cũng hiện thực hóa được giấc mơ của đời mình khi đánh bại được chính thần tượng bấy lâu nay. Tuy nhiên, tất cả điều này đều chẳng như dự tính bấy lâu nay, mà thay vào đó là cơn ác mộng.

"Khi bước ra sân, tôi cảm thấy mình không còn là người luôn hâm mộ Serena. Tôi chỉ là tay vợt chuẩn bị bước vào trận đấu. Khi ôm cô ấy ở trên lưới, tôi cảm giác mình vẫn chỉ là đứa trẻ", Osaka chia sẻ khi những giọt lệ dâng đầy trong mắt.

Trong câu chuyện vinh quang đầu đời của một cô gái 20 tuổi vô địch Grand Slam, những điều mà Osaka phải trải qua như có phần tủi hờn đắng cay.

Highlights Naomi Osaka vs Serena Williams: Thi đấu bản lĩnh giành cúp

Đối đầu với tay vợt đã có 23 chức vô địch Grand Slam đồng thời là thần tượng của mình, nhưng Naomi Osaka không hề tỏ ra run sơ. Cô chơi đầy bản lĩnh để thắng 6-2 và 6-4.

Bích Hiền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trong-tai-no-serena-williams-hay-chinh-co-no-osaka-loi-xin-loi-post876371.html