Trồng sâm vượt khó, làm giàu

Đón chúng tôi tại căn nhà khang trang ở trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, anh Hồ Văn Bông phấn khởi nói: 'Nhờ sâm mà có nhà to ở đấy'. Nụ cười của người đàn ông Xê Đăng có nước da nhuộm màu nắng gió, bỗng chốc làm những người khách phương xa như chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Là địa phương nổi tiếng với cây sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My có khá nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng sâm. Vợ chồng anh Hồ Văn Bông là một trong số đó.

Nhờ trồng sâm, gia đình anh Hồ Văn Bông đã có cuộc sống ấm no, sung túc

Năm 1997, anh Hồ Văn Bông và chị Hồ Thị lập gia đình và ra ở riêng tại Thôn 2 Kam Pin, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. “Khi ấy cực lắm, đến cái bát, cái đũa còn không đủ. Trời mưa, nằm trong nhà mà như ngoài trời” – anh Bông nhớ lại. Với mong muốn thoát nghèo mãnh liệt, anh Bông và vợ bàn tính: Khó đến mấy cũng phải ráng làm. Mình không biết thì đi học hỏi bà con, anh em. Nghĩ sao làm vậy, ngoài thời gian lên nương rẫy, anh Bông lặn lội sang các xã Trà Mai, Trà Nam, thậm chí sang cả huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) để xem mọi người đã làm kinh tế như thế nào để sống khỏe. Trở về nhà, anh Bông bắt tay vào nuôi gà, nuôi heo, trồng bắp, trồng lúa… Việc gì anh cũng mạnh dạn đi đầu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Lớn lên dưới những tán rừng ở xã Trà Linh, nên từ nhỏ anh Bông đã được tiếp xúc với cây sâm. Vậy nhưng, đến năm 1998, khi Nhà nước có chủ trương cho vay vốn để trồng sâm, gia đình anh Bông và nhiều người dân trong thôn mới chính thức biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm. “Năm 1999, gia đình tôi cũng khai thác được 1 ít sâm tự nhiên, khi đó giá sâm chưa cao, cả chậu thau sâm (loại 3 lạng/củ), tôi bán được có 170.000 đồng. Vậy nhưng so với các loại cây trồng khác, cây sâm vẫn cho thu nhập cao hơn hẳn” – anh Bông chia sẻ.

Từ những lợi ích “trông thấy” của cây sâm, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng sâm, anh Bông còn mang gà, lợn nuôi được đổi lấy sâm của bà con trong thôn, đem bán ở những nơi có giá cao hơn. Ban đầu không có vốn, anh Bông đăng ký vay tín dụng chính sách 3 triệu đồng. “Năm 1998, hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS được vay tối đa 5 triệu đồng, nhưng tôi chỉ dám vay 3 triệu đồng vì lo không có tiền trả” - anh Bông thổ lộ. Đến khi sâm cho thu hoạch, anh Bông nhổ sâm bán để trả nợ, sau đó vay tiếp 10 triệu đồng, hết hạn vay, anh trả nợ rồi vay tiếp 10 triệu đồng, lần sau cùng anh vay tín dụng chính sách là 25 triệu đồng.

Từ 1.000 cây sâm ban đầu, đến nay gia đình anh Bông đã có gần 1 héc-ta trồng sâm, với hàng chục nghìn gốc sâm nhiều lứa tuổi. Nhờ trồng sâm, năm 2009, vợ chồng anh Bông tự hào vì xây dựng được ngôi nhà to nhất Thôn 2 Kam Pin. Năm 2016, anh tiếp tục mua đất, dựng nhà ở gần trung tâm thị trấn Nam Trà My để cho con cái tiện việc học tập.

Hiện nay, ngoài thu hoạch sâm củ để bán, anh Bông còn cung cấp cây sâm giống cho các hộ có nhu cầu. Với giá bán sâm củ từ 65 triệu đồng/kg (loại 5 - 6 năm tuổi), 75 triệu đồng/kg (loại 7 - 8 năm tuổi) và giá cây sâm giống từ 200.000 – 300.000 đồng/cây…, mấy năm trở lại đây, gia đình anh Bông cũng có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Từ năm 2013, giá sâm Ngọc Linh ngày một tăng, gia đình anh Bông càng có điều kiện để bắt tay vào thực hiện những dự định tốt đẹp cho tương lai.

Dưới những tán rừng, vườn sâm của gia đình anh Bông đang ngày một phát triển. Trong ngôi nhà của anh chị, dễ dàng nhận thấy sự no đủ, ấm cúng. Câu chuyện trồng sâm thoát nghèo của vợ chồng anh Hồ Văn Bông là một minh chứng cho thấy, thành công sẽ ở trong tầm tay với những ai biết vượt khó vươn lên.

Hoàng Dương

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/trong-sam-vuot-kho-lam-giau-107065.html