Trồng rừng... trên biển

Rừng phòng hộ ven biển được xem là 'lá chắn xanh' nhằm giảm thiểu những mối đe dọa từ thiên nhiên, bảo vệ đời sống dân sinh.

Nhờ những giải pháp kỹ thuật mà nhiều vạt rừng ven biển của tỉnh Kiên Giang đã được trồng, khôi phục thành công.

 Người dân ven biển khu vực An Biên - An Minh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, vừa đảm bảo sinh kế bền vững vừa bảo vệ tốt rừng phòng hộ. Ảnh: Trung Chánh.

Người dân ven biển khu vực An Biên - An Minh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, vừa đảm bảo sinh kế bền vững vừa bảo vệ tốt rừng phòng hộ. Ảnh: Trung Chánh.

Hồi sinh vùng đất xói lở

Những ngày đầu tháng 10/2020, áp thấp nhiệt đới và bão liên tục hình thành trên biển Đông, hướng vào đất liền Việt Nam. Hoàn lưu của chúng đã gây mưa to, gió mạnh trên diện rộng, nước biển dâng cao, sóng lớn liên tục đánh vào bờ. Nhưng nhờ những cánh rừng phòng hộ, nhất là những vạt rừng được trồng và khôi phục lại, đã bảo vệ an toàn nhiều đoạn đê biển và đời sống dân sinh.

Chờ ngớt những cơn mưa nặng hạt, tôi lấy xe chạy ra tuyến đê biển thuộc ấp Vàm Rầy (xã Bình Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang). Đứng trên đê, không thể nhìn ra phía biển vì rừng cây mắm, cây đước ken dày đặc và cao quá đầu người. Sóng biển vẫn rì rào phía ngoài và tan biến mất dưới gốc cây trước khi kịp vào tới chân đê.

Nếu không được người dân địa phương cho biết, tôi không thể hình dung nơi đây đã từng là khu vực bị sói lở rất nghiêm trọng, không ít người đã phải bỏ nhà cửa đi tha phương làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Thu (Năm Thu), ngôi nhà tường vững trãi quay mặt ra phía rừng.

Người dân ấp Vàm Rầy có thêm nguồn thu nhập từ trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản nhờ có đai rừng phòng hộ ven biển đã được khôi phục. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Năm Thu cho biết, gia đình từng bị ảnh hưởng rất nặng nề khi rừng phòng hộ phía trước biển bị mất, đê bị sóng đánh vỡ. Đó là thời điểm năm 2008, một đoạn đê ngăn mặn dài khoảng 500m tính từ kênh Tám Nguyên hướng về kênh 287 thuộc ấp Vàm Rầy, đã bị sóng biển và triều cường gây sạt lở nghiêm trọng .

Nhớ lại thời điểm đó, bà Năm Thu nói như than: “Khổ lắm chú ơi! Mỗi khi có triều cường hay mưa bão là sóng biển đánh văng tung tóe vào tận giữa nhà. Đến đứa trẻ con cũng không thể ngủ ngon giấc vì giường chiếu ướt hết. Không đi làm mướn thì cũng chẳng dám ở nhà, sợ bị sóng đánh sập bất cứ lúc nào”.

Trầm lặng một chút, bà nói tiếp: “Thời điểm đó học sinh ở đây đi học khổ lắm, ngày biển cạn thì cũng lầy lội, đến trường lấm lem. Còn biển động, triều cường thì phải có người lớn cõng qua khu vực sạt lở mới đến trường được”.

Những tưởng phải bỏ nhà tha phương cầu thực vì sinh kế không còn, cuộc sống bị đe dọa thì người dân nơi đây nhận được tin vui. Khi dự án Bảo tồn và Phát triển các trọng điểm Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang, sau đổi thành Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển (ICMP) được thực hiện bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), đã nghiên cứu đầu tư khôi phục lại hệ thống rừng ngập mặn ven biển, nhằm ngăn chặn những tác động xấu của thiên tai đang đe dọa.

Trong vòng 3 năm (2009 – 2011), gần 3ha rừng ngập mặn tại khu vực xói lở đã được khôi phục nhờ giải pháp hệ thống hàng rào cừ tràm có tác dụng giúp giảm sóng, giữ bùn và bảo vệ cây rừng mới trồng. Đến nay, cây trồng đã phát triển thành rừng, tạo thành vành đai bảo vệ chắc chắn phía ngoài trước biển.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý rừng Kiên Giang cho biết, ngoài diện tích rừng do GIZ hỗ trợ trồng, khôi phục lại, tỉnh cũng đã tiếp tục trồng thêm phía ngoài, tạo thành đai rừng dày hơn trước biển.

Bà Nguyễn Thị Thu đứng trước cánh rừng ngập mặn “lá chắn xanh” bảo vệ đê biển, tài sản, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực. Ảnh: Trung Chánh.

“Khi trồng rừng thành công, tạo thành “lá chắn xanh” phía ngoài, những mối đe dọa từ thiên nhiên đã được giảm thiểu, việc bắt tay xây dựng lại đời sống, khôi phục lại sinh kế thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh phục hồi sinh kế, việc nâng cao nhận thức về môi trường, về ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân cũng được chú trọng”, ông Hùng phấn khởi nói.

Nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường trong khu vực đã diễn ra như trồng rừng phòng hộ ven biển, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, thu gom rác thải hay lồng ghép hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trong nhà trường … Nhờ vậy, vai trò của rừng ngập mặn đã được nâng lên trong ý thức cộng đồng, rừng phục hồi đến đâu được người dân chung tay bảo vệ đến đó.

Kiên Giang đang tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển bảo vệ rừng như trồng rừng, chăm sóc rừng trồng đặc dụng và phòng hộ, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh. Chỉ đạo phát triển trồng cây phân tán trong nhân dân để góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng. Đẩy mạnh trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển, góp phần chống sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Duy trì, ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 12% diện tích toàn tỉnh.

Nỗ lực trồng rừng bảo vệ đê biển

Tỉnh Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, với trên 200km bờ biển. Do hệ thống đê biển của tỉnh chủ yếu được đắp bằng đất nên tình trạng xói lở đang xảy ra ngày càng nhiều, nhất là những chỗ bị mất rừng phòng hộ.

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Kiên Giang, những năm gần đây tình hình sạt lở bờ biển tiếp tục xảy ra nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 12 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 82km, chủ yếu là ở bờ biển đất liền thuộc tuyến ven biển An Biên - An Minh, Hòn Đất - Kiên Lương và cục bộ ở một số đảo.

Kiên Giang đã và đang nỗ lực trồng và khôi phục lại hệ thống rừng phòng hộ ven biển nhằm bảo vệ tốt hệ thống đê và đời sống dân sinh. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực trồng lại rừng phòng hộ, song song với việc làm kè chắn sóng, chống sạt lở, gây bồi tạo bãi giúp cây rừng phát triển.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, từ năm 2019 cho đến nay, tỉnh đã trồng được 604ha rừng phòng hộ ven biển. Kinh phí trồng rừng hiện nay là 100 triệu đồng/ha, gồm 1 năm trồng và 2 năm chăm sóc tiếp theo. Các giống cây được chọn trồng rừng phòng hộ ven biển là loài đặc trưng, có sức chống chịu cao như mắm, đước… Sau khi cây trồng đã phát triển thành rừng, sẽ chuyển giao cho các ban quản lý rừng, kiểm lâm địa phương quản lý, chăm sóc.

Trong đó, phải kể đến dự án thuộc chương trình khôi phục, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, có tổng diện tích 519ha. Gồm trồng trong các khu vực đất rừng đã giao khoán cho các hộ dân, trồng rừng trên bãi bồi tự nhiên và gây bồi tạo bãi để trồng rừng. Công trình gây bồi tạp bãi trồng rừng xã Nam Thái (huyện An Biên), diện tích 35ha và xã Bình Sơn (huyện Hòn Đất) 50ha là những điển hình trồng rừng trên biển thành công.

“Giải pháp hiện nay là dùng hàng rào mềm bằng cây tràm, tre (có giá thành rẻ), để phá sóng, gây bồi tạo bãi, sau đó trồng lại rừng. Cách tạo bãi nhân tạo sẽ nhanh hơn bãi bồi tự nhiên rất nhiều và khả năng trồng thành rừng cũng rất cao”, ông Tuấn cho biết.

Mới đây, dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” đã được Bộ NN-PTNT khởi động, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2022. Tổng nguồn vốn dự án là 24 triệu Euro, trong đó, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua ngân hàng tái thiết Đức (KFW) là 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 6 triệu Euro.

Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm đạt được các mục tiêu phòng chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ có khoảng gần 3 ngàn ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, cùng với 19km đê biển, kè chắn sóng được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Qua đó, góp phần bảo vệ tuyến đê biển, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ hàng trăm ngàn ha đất trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Đây là dự án được triển khai theo nguyên tắc thuận thiên và là một trong những nguồn lực để địa phương thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn 10 năm từ khi dự án do GIZ hỗ trợ, triển khai, rừng phòng hộ được khôi phục và phát triển, một vùng xói lở ngày nào nay đã khoác lên màu áo mới. Hầu hết những ngôi nhà siêu vẹo đã được thay thế bằng những ngôi nhà tường kiên cố, ruộng lúa, vườn cây đã xanh trở lại, cho những vụ mùa bội thu. Một vùng quê thanh bình nép mình bên những cánh rừng phòng hộ rì rào sóng biển đang hiện hữu.

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trong-rung-tren-bien-d275983.html