'Trồng rừng thay thế bằng cây keo không đảm bảo được'

'Tôi quan tâm đến việc các hồ thủy lợi, thủy diện luôn có chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Nhưng trồng rừng mới phải chú ý nguyên tắc bảo đảm vị trí rừng phòng hộ và các loại cây. Trồng rừng thay thế bằng cây keo hay các loại cây khác không bảo đảm được' - ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam).

Sáng 3-11, Quốc hội bắt đầu bước vào phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội.

Các vấn đề được tập trung gồm kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021, bao gồm các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Do mưa bão, lũ lụt miền Trung vừa xảy ra, nên nhiều ĐB đề cập đến an toàn thủy điện, rừng, sạt lở nhiều hơn.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nói năm 2020 có thể hụt thu, thu chi ngân sách chắc sẽ khó khăn nhưng ông đề nghị Chính phủ phải có các giải pháp tài chính nhằm khắc phục thiệt hại sau mưa bão, lũ lụt và bệnh dịch.

ĐB Nguyễn Thanh Hải nói cần phải xem lại tác động của các công trình thủy điện nhỏ. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Thanh Hải nói cần phải xem lại tác động của các công trình thủy điện nhỏ. Ảnh: QH

ĐB Hải cho rằng: việc xây dựng nhiều thủy điện nhỏ ít nhiều cũng làm mất rừng, gây ra xói mòn, sạt lở đất. “Nhiệm kỳ trước đưa ra khỏi danh sách nhiều thủy điện nhỏ, nhưng còn nhiều công trình thủy điện có tác động tiêu cực. Phải chăng do công tác đánh giá thẩm định chưa ổn?”, ĐB Hải nêu vấn đề.

Việc lấp sông, ngòi để làm khu dân cư, làm nhà cao tầng, theo ĐB Hải, cũng có thể làm tăng tình trạng lũ lụt. Đánh giá cao việc đắp đập ngăn mặn, đê ngăn lũ nhưng ĐB Hải nói quy hoạch các công trình này là rất quan trọng, phải thuận theo tự nhiên, có tầm nhìn, gắn với phát triển bền vững.

ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) sau khi cảm ơn cả nước đã động viên miền Trung và Quảng Nam trong bão lũ vừa qua đã đưa ra 6 đề xuất, trong đó có 5 đề xuất liên quan đến việc giữ rừng, phục hồi rừng để tránh lũ, sạt lở.

Đầu tiên, ĐB Bình đề xuất có chính sách cấp gạo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào không phải trồng lúa trên rẫy nữa. ĐB Bình nói sản xuất lương thực của Việt Nam có thể bảo đảm được việc cấp gạo này.

“Cần khuyến khích trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa. Tôi quan tâm đến việc các hồ thủy lợi, thủy diện luôn có chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Nhưng trồng rừng mới phải chú ý nguyên tắc bảo đảm vị trí rừng phòng hộ và các loại cây. Trồng rừng thay thế bằng cây keo hay các loại cây khác không bảo đảm được. Thu hồi diện tích rừng ở vị trí phòng hộ nhưng vị trí trồng khác có khi không có yếu tố phòng hộ”, ĐB Bình nói.

ĐB Phan Thái Bình đề xuất khi trồng rừng phải chú ý trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa. Ảnh: QH

ĐB cũng đề nghị phải rà soát lại các hồ, đập đặc biệt các thủy điện nhỏ xem tác động thế nào, có thông tin rộng rãi cho nhân dân an tâm vì người dân rất bất an.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường được dành cho 3 phút để trao đổi. Đối với vấn đề trồng rừng và phục hồi rừng, Bộ trưởng Cường thông tin: đến nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, còn rừng trồng là 4,3 triệu ha.

“Đây là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Bởi vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng, lúc đó hệ số che phủ chỉ 27%. Trong vòng 30 năm đất nước GDP còn thấp như vậy nhưng chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững. Phát triển rừng trọng yếu để phát triển môi trường. Cho đến nay ta đã có 14,6 triệu ha rừng, hệ số che phủ gần 42%, thế giới bình quân chỉ 29%. Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống”, Bộ trưởng Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói phục hồi rừng tự nhiên thì phải từng bước. Ảnh: QH

Về rừng tự nhiên theo Bộ trưởng Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để bà con giữ hơn 1 triệu ha rừng, có chế độ ngày càng tăng lên. Tuy nhiên trong 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa. Bởi trong giai đoạn chiến tranh, Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng miền Trung.

“Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian từng bước”, Bộ trưởng Cường nói.

CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/trong-rung-thay-the-bang-cay-keo-khong-dam-bao-duoc-947825.html