Trồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Tết trồng cây đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Quốc Trị có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về ý nghĩa của Tết trồng cây và hướng phát triển của ngành lâm nghiệp đất nước thời gian tới.

 Ông Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGHINH XUÂN

Ông Nguyễn Quốc Trị. Ảnh: NGHINH XUÂN

Phóng viên (PV): Thưa ông, sự kiện 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Cách đây vừa tròn 60 năm, mùa Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây đầu tiên. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức Tết trồng cây làm theo lời Bác và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Tết, đón xuân. Những năm qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt nhiều kết quả rất tích cực. Lâm nghiệp từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp. Việc trồng rừng vừa thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), vừa để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước bền vững hơn.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng và đất lâm nghiệp, thực hiện hiệu quả phong trào Tết trồng cây, năm nay, các cấp, các ngành cần chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt. Cụ thể, mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, đơn vị hãy thi đua thực hiện Tết trồng cây để xanh đường, xanh nhà, nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng các loài cây có giá trị cao, theo quy hoạch phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Tổ chức trồng cây, trồng rừng trên địa bàn ngay từ những ngày đầu năm 2020, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch của “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, bảo đảm sử dụng giống tốt vào trồng rừng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp, phát triển trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể để quản lý, bảo vệ và chăm sóc cây trồng, bảo đảm cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

Người dân và cán bộ kiểm lâm tỉnh Yên Bái tham gia Tết trồng cây năm 2019. Ảnh: NGHINH XUÂN

PV:Thưa ông, việc trồng rừng gỗ lớn có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển rừng gỗ lớn trong cung cấp nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ, TCLN đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương thực hiện việc phát triển rừng gỗ lớn. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến nay, chúng ta đã trồng và chuyển hóa được hơn 220.000ha rừng gỗ lớn. Đây là nguồn cung vô cùng quan trọng phục vụ trực tiếp cho sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, hiệu quả trồng rừng gỗ lớn rất rõ nét nếu chúng ta so sánh với trồng rừng thông thường. Cụ thể là năng suất của rừng gỗ lớn thường cao gấp hai lần rừng gỗ nhỏ, giá bán gỗ lớn cũng cao gấp 3 lần so với gỗ nhỏ băm dăm. Khi áp dụng các biện pháp lâm sinh như tỉa thưa rừng thì chủ rừng cũng thu được từ nguồn bán cây tỉa thưa.

PV:Lâu nay, nhắc đến trồng rừng, người ta thường chỉ nghĩ đến giá trị của gỗ. Năm 2019 vừa qua chúng ta chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu của lâm sản ngoài gỗ tới 40%. Vậy ngành lâm nghiệp có giải pháp gì để phát huy hiệu quả kinh tế lâm sản ngoài gỗ?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Với hơn 14,4 triệu héc-ta rừng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển lâm sản. Đây là nguồn sinh kế chủ yếu của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa; cung cấp các sản phẩm làm thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, việc phát triển, khai thác, chế biến, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, chúng ta mới chỉ khai thác, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ tre, song, mây, quế, hồi, còn nhiều loài khác chưa được khai thác, chế biến, xuất khẩu. Để phát huy hiệu quả kinh tế lâm sản ngoài gỗ, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai việc lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức xã hội để xây dựng Chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và các chính sách mới của ngành trong năm 2020. Theo đó, sẽ xác định rõ mục tiêu, định hướng, nội dung, giải pháp thực hiện việc phát triển lâm sản ngoài gỗ bảo đảm đồng bộ, khả thi, tận dụng được những tiềm năng, lợi thế của rừng để kết hợp phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến năm 2025, ngành lâm nghiệp phải phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD. Vậy ngành lâm nghiệp sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Để đạt được mục tiêu xuất khẩu lâm sản 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành lâm nghiệp cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Theo đó, coi trọng từ khâu chọn tạo giống cây rừng, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; tiếp tục nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả, bền vững giữa người trồng rừng với các doanh nghiệp chế biến gỗ, nhằm chủ động được nguồn cung nguyên liệu có chất lượng, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, chế biến, xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ nghiên cứu những chính sách về đầu tư, tín dụng, cơ sở hạ tầng lâm sinh...; các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trong-rung-de-bao-ve-moi-truong-sinh-thai-va-phat-trien-kinh-te-608956