Trồng rừng 30 năm vẫn không được khai thác?

Thời gian qua, tại khu vực rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) quản lý, một số hộ dân kiến nghị cho họ được sở hữu sản phẩm cây rừng sau 30 năm trồng được.

Ghi nhận từ phản ánh của các hộ dân ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai): Từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vì cuộc sống mưu sinh mà các hộ gia đình từ những địa phương khác nhau đã cùng đến đây, vốn là một khu rừng rộng lớn bị tàn phá bởi chiến tranh, để khai hoang phát triển kinh tế.

 Cây rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc do các người dân trồng sau hơn 30, nay có được quyền khai thác hay không?

Cây rừng thuộc khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc do các người dân trồng sau hơn 30, nay có được quyền khai thác hay không?

Đầu tư trồng rừng nhưng không được quyền sở hữu

Ông Lý Văn Long (ngụ tại tổ 4, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) cho biết: Để được những vườn tiêu, vườn cây ăn trái bên cạnh hay dưới những tán cây sao, cây dầu như hiện nay, thì từ những năm 1987, gia đình ông và các hộ dân đã phải trải qua quá trình khai hoang cực nhọc để trồng và chăm sóc cây.

Ông Lý Văn Ban (một người hàng xóm của ông Lý Văn Long) cho hay, bản thân là một trong những gia đình đầu tiên vào vùng đất này khai hoang từ đầu năm 1987. Nhưng khoảng 3 tháng sau, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc ký “Hợp đồng liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với người đại diện của các hộ dân là ông Nguyễn Văn Dũng.

Còn ông Trần Văn Phá (là một trong 18 hộ dân cử đại diện ký hợp đồng giao khoán với Lâm trường Xuân Lộc) cho biết: Sau khi hai bên ký hợp tác, người dân đã một sương hai nắng cực khổ gắng vay mượn, mua cây giống về trồng, đào ao, tưới nước, phân bón, chăm cây. Tuy nhiên, hiện nay gia đình ông Phá và một số hộ gia đình khác muốn khai thác số cây do mình trồng nhưng không được Ban quản lý rừng chấp thuận.

Từ năm 2000, trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng được chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Đồng Nai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã xây dựng “Phương án chuyển đổi rừng sau quy hoạch 3 loại rừng”.

Phương án này đã được gửi đến các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Xuân Lộc góp ý, sau đó được Sở NN& PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức thẩm định, được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ, hiện trạng rừng tại các hộ khu vực Làng Mán trồng theo mô hình nông-lâm kết hợp (gỗ lớn bản địa, cây lâu năm) được xác định là rừng có chức năng phòng hộ ít xung yếu, phù hợp với các quyết định (Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành Bản quy định về tiêu chí phân cấp rừng phòng hộ; Quyết định số 4505/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai) nên không thuộc đối tượng chuyển đổi thành rừng phòng hộ.

Các quyết định này cũng thể hiện đất đai được sử dụng đúng mục đích lâm nghiệp, theo đúng quy hoạch sử dụng đất, từng bước phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng. Để việc quản lý ngày càng chặt chẽ và mang lại hiệu quả thiết thực hơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cũng đã tổ chức giao khoán đất rừng cho hơn 2.000 hộ dân chủ yếu là người dân sống tại địa phương.

Đồng thời liên kết hợp tác với các tổ chức khác để trồng rừng gắn với mục tiêu quy hoạch rừng. Qua đó, diện tích và chất lượng rừng ngày càng tăng, nâng cao độ che phủ trong khu vực. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống cho người trồng rừng, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết...

Trước đây, Nhà nước chưa có quy định về việc sở hữu rừng. Các chính sách của Nhà nước về trồng rừng (Quyết định số 327/CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng…), việc đầu tư trồng rừng phòng hộ ngoài vốn của Nhà nước còn có sự tham của các nguồn vốn khác.

Tuy vậy, theo quy định tại Điều 7 Luật Lâm nghiệp-Sở hữu rừng thì quy định:

1. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân bao gồm: rừng tự nhiên; rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm: rừng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; rừng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, các đối tượng rừng còn lại như: rừng trồng do hộ dân tự đầu tư trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ; rừng trồng phòng hộ do Nhà nước và người dân cùng đầu tư thì Luật Lâm nghiệp không quy định ai là chủ sở hữu.

Một hộ dân tự ý khai thác rừng phòng hộ đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc ngăn chặn, xử lý.

Mặt khác, theo ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp tại Văn bản số 553/TCLN-PTSXLN ngày 18/4/2019 v/v xác định quyền sở hữu và trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng, quy định: “Rừng phòng hộ thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là cơ quan thay mặt Nhà nước khoán bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, các hộ nhận khoán không có quyền sở hữu rừng phòng hộ”.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, từ những bất cập nói trên, dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức khai thác rừng do các hộ dân tự đầu tư trên diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Cũng như việc xử lý các vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Theo quy định về khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ, tại Nghị định156/2018/NĐ-CP, khi khai thác tỉa thưa rừng trồng phòng hộ thì mật độ cây trồng chính còn lại trên lô ít nhất là 600 cây/ha.

Trong khi đó, tại Thông tư 30/2018/TT-BNN của Bộ NN&PTNT, quy định các loài cây trồng chính chỉ có những cây thân gỗ như: sao, dầu.

Đồng thời, chiếu theo các quy định trước đây (Quyết định 661, quyết định 556 của Thủ tướng Chính Phủ...) thì đối với rừng phòng hộ nếu bố trí trồng hỗn giao giữa cây công nghiệp và cây gỗ lớn thì cây công nghiệp vẫn được xem là cây trồng chính.

Mặt khác, khi khai thác, tỉa thưa cây rừng trồng phòng hộ thì phải đảm bảo độ tàn che là 0,6 chứ không phải tính mật độ cây trồng chính còn lại như quy định hiện nay.

Trên thực tế, các mô hình trồng rừng tại các hộ dân Làng Mán, Làng Tàu bố trí trồng hỗn giao giữa cây gỗ lớn và cây công nghiệp, trong đó mật độ cây gỗ lớn hiện còn dưới 100 cây/héc ta.

Vì vậy, theo quy định hiện hành thì các hộ dân không được phép khai thác cây rừng do chính hộ dân tự đầu tư.

Vấn đề này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, ngành lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đồng thời Sở NN&PTNT tỉnh này cũng đã có những kiến nghị đến Bộ NN&PTNT, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thanh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/trong-rung-30-nam-van-khong-duoc-khai-thac-214394.html