Trồng rau trong nhà lưới, hiệu quả kinh tế cao

Mô hình trong rau trong nhà lưới đang được nông dân ở nhiều địa phương thực hiện và đạt được kết quả khả quan. Với nhiều ưu điểm như: hạn chế ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết hoặc sự gây hại của sâu bệnh… nên năng suất cao hơn so với trồng theo phương thức truyền thống. Từ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nâng cao thu nhập

Gia đình anh Lê Văn Hoàng Tâm (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới) với nhiều thế hệ xuất thân từ nông dân nên cuộc sống gia đình gắn liền với ruộng đồng, trong đó anh trồng chủ yếu là các loại hoa màu. Tuy nhiên, nguồn thu nhập từ sản xuất và buôn bán hoa màu mang lại hàng năm cho anh Tâm không cao, chỉ đủ ăn và trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Do đó, anh Tâm luôn trăn trở, suy nghĩ nhằm tìm lối đi mới, với quyết tâm phải thay đổi cơ cấu cây trồng trên 4.000m2 diện tích đất của gia đình, qua đó nâng cao nguồn thu nhập, có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình.

Trồng rau trong nhà lưới có nhiều ưu điểm so với trồng rau truyền thống

Được sự vận động và giới thiệu của Hội Nông dân xã, anh Tâm đã tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp cũng như tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng rau an toàn ở địa phương khác từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Năm 2018, anh Tâm đầu tư xây dựng nhà lưới với diện tích 500m2, kinh phí 50 triệu đồng. Nhờ những kiến thức từ các lớp tập huấn, kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình sản xuất thực tế, đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận từ đó tăng lên.

“Bước đầu cho thấy, trồng rau màu theo phương pháp truyền thống sẽ có chi phí cao nhưng lợi nhuận thấp, đầu ra thường không ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Còn trồng rau an toàn chi phí thấp nhưng phải bỏ công chăm sóc nhiều hơn so với cách trồng truyền thống, giá bán thu được cao hơn, đầu ra tương đối ổn định, góp phần tăng thu nhập cho bản thân và lợi ích của việc an toàn thực phẩm. Với việc canh tác các loại rau ăn lá như: xà lách, rau thơm, cải ngọt… mỗi năm, trừ chi phí tôi còn lời khoảng 100 triệu đồng. Với mức lợi nhuận tương đối cao, tôi có điều kiện để sửa lại nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, chăm lo việc học hành của các con… Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng rau màu trong nhà lưới” - anh Tâm chia sẻ.

Không những nâng cao thu nhập cho bản thân, mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình anh Tâm còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Hướng đi bền vững cho nông dân

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh (xã Bình Thủy, Châu Phú), mặc dù số tiền ban đầu bỏ ra để xây dựng nhà lưới tương đối lớn so với kinh tế của người nông dân, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, mô hình này đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với cách trồng truyền thống. Việc trồng rau, cải trong nhà lưới ngăn không cho côn trùng vào sinh sản, nhờ đó hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh gây hại. Sâu bệnh giảm, đương nhiên sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài việc giảm sâu bệnh, mô hình nhà lưới còn hạn chế được mưa, gió, nắng, tránh cho rau, cải bị hư hỏng không thể bán được.

“Trước hết là rau màu sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Ngoài ra, trồng trong nhà lưới giảm nguy cơ bị các loại sâu bệnh gây hại hơn so với cách trồng truyền thống. Chính điều này đã làm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu giảm rất nhiều và công chăm sóc nhẹ hơn. Ước tính, chi phí sản xuất cho mỗi vụ giảm từ 60-70% so trước đây. Ngoài ra, các loại rau phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng cho năng suất cao hơn. Mỗi năm, số vụ rau sản xuất trong nhà lưới có thể tăng gấp đôi so với sản xuất ngoài trời” - ông Khanh thông tin. Có thể thấy, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã mở ra hướng đi mới cho nông dân, hướng đến việc sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Toàn tỉnh hiện có 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn được ngành chức năng chứng nhận, với tổng diện tích 2.687ha tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên; tỉnh đã xây dựng mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau màu khá đa dạng, phong phú. Ngoài 2 chợ đầu mối lớn là TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, sản phẩm rau màu sạch còn được tiêu thụ mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, rau màu của nông dân còn được ký hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, một số hệ thống bếp ăn trong trường học, công ty trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/trong-rau-trong-nha-luoi-hieu-qua-kinh-te-cao-a252102.html