Trồng rau thủy canh trong nhà lưới, nông dân Quảng Nam bội thu

Nhiều hộ dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh khép kín trong nhà lưới, mang lại nguồn thu đáng kể.

Thời gian gần đây, một số hộ dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh khép kín trong nhà lưới, mang lại nguồn thu đáng kể. Không những làm giàu cho gia đình, các cơ sở này còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Sau khi tham quan học hỏi các mô hình trồng rau công nghệ cao ở nhiều nơi, anh Phan Văn Lực, ở thôn La Trung, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn đầu tư trồng rau thủy canh khép kín trong nhà lưới. Anh Lực cho biết, vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng trên diện tích 500m2. Đây là mô hình trồng rau sạch khép kín, hệ thống tưới tự động điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Mỗi ngày, vườn rau này cung cấp ra thị trường hàng trăm ký rau các loại, chủ yếu là rau xà lách, rau cải, rau muống.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Lực, trồng rau thủy canh ít tốn công chăm sóc, hệ thống phun sương hoàn toàn tự động. Sau khi trừ chi phí, chủ vườn rau lãi hơn 300 triệu đồng/ năm.

"Rau thủy canh ở Đà Nẵng tiêu thụ rất nhiều. Đây là một mô hình trồng rau mới, rất hiệu quả, sạch an toàn. Các loại rau xà lách của nước ngoài, xà lách tím và xà lách được các khách sạn, resot ưa thích và giá cao. Được chính quyền hỗ trợ, tôi đang liên kết ngoài Đà Nẵng mở 1.500m2 ở Hòa Ninh" - anh Phan Văn Lực cho biết.

Ở thị xã Điện Bàn, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Minh 2, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ông Đỗ Nam, Giám đốc Hợp tác xã này cho biết, năm ngoái, Hợp tác xã đầu tư xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao trên diện tích gần 1 ha. Đến nay, vườn rau thủy canh của Hợp tác xã trở thành đầu mối cung ứng rau sạch cho một số cửa hàng nông sản sạch và các siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Hợp tác xã Điện Minh 2, thị xã Điện Bàn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Đỗ Nam, hiện đầu ra cho sản phẩm khá ổn định. Vườn rau thủy canh đến nay đã có kết quả và năng suất chất lượng làm theo quy trình. Chất lượng rau rất đảm bảo. Hợp tác xã chọn giống ngoại, giống Nhật Bản có năng suất và có hiệu quả và đáp ứng được thị trường tiêu thụ, bước đấu cung cấp ra thị trường liên tục.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con; đồng thời hỗ trợ vốn, giúp người dân mở rộng sản xuất.

Thị xã đang liên kết với các đối tác, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người trồng rau. Các mô hình về sản xuất nông nghiệp. Một số mô hình hiện nay đang triển khai và áp dụng rất tốt. Rau thủy canh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, hiện nay thị xã đang tập trung triển khai và nhân rộng mô hình này; đảm bảo rau an toàn, năng xuất chất lượng sản phẩm được thị trường ưa chuộng như các siêu thị, nhà hàng. Do đó, đầu ra đảm bảo ổn định. Thường xuyên theo dõi hướng dẫn cho các hộ này hỗ trợ tối đa, ông Hiếu thông tin thêm.

Theo Tuyết Lê/Lan Hương/VOV

Theo Tuyết Lê/Lan Hương/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/trong-rau-thuy-canh-trong-nha-luoi-nong-dan-quang-nam-boi-thu/20191101075647758