Trong nỗi đau tháng 9

Rủi ro ngày càng tăng đã khiến dòng tiền rút ròng ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi trong tuần trước lên mức cao nhất 11 tuần qua, trong bối cảnh các nhà đầu tư ưa chuộng việc nắm giữ tiền mặt trở lại.

Căng thẳng gia tăng

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Mỹ, vốn theo dõi các dòng tiền vào ra tại các thị trường tài chính, trong tuần từ 5 – 12/9 đã có 5,6 tỷ USD rút ra khỏi các thị trường cổ phiếu toàn cầu, trong đó riêng thị trường chứng khoán Mỹ bị rút ra 2,3 tỷ USD, trong khi dòng tiền tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi là 1,2 tỷ USD.

Chứng khoán châu Âu cũng mất 1,4 tỷ USD, ghi nhận tuần thứ 26 vốn bị rút ròng trong 27 tuần qua, mà theo giới đầu tư mô tả diễn biến trên như là "nỗi đau thương mại tháng 9".

Thị trường mới nổi tiếp tục bị rút ròng mạnh trong tuần qua

Sự căng thẳng trên thị trường gia tăng trong tháng này cũng trùng với kỷ niệm 10 năm ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, sau đó đã đưa thị trường thế giới và nền kinh tế toàn cầu bước vào cuộc khủng hoàng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

Một “nạn nhân” khác của việc cảm tính rủi ro gia tăng chính là thị trường nợ của các nền kinh tế mới nổi, khi phải chứng kiến 1,6 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường trái phiếu của các nước này, mức cao nhất trong 11 tuần qua.

Sự ưa chuộng các tài sản rủi ro của các nhà đầu tư thời gian qua đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột thương mại ngày càng tăng lên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như tình hình bất ổn tại các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina, nơi mà một số đồng tiền đã chứng kiến sự mất mát 40-50% giá trị trong năm nay.

Điều đó đã tạo ra một sự đột phá cho trái phiếu chính phủ của các nền kinh tế phát triển, mà đã đón nhận dòng vốn rót vào đến 1,7 tỷ USD trong tuần vừa qua. Rõ ràng trong bối cảnh rủi ro gia tăng, đặc biệt là khủng hoàng tiềm năng tại những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, thì trái phiếu của các nền kinh tế phát triển sẽ được ưa chuộng như là tài sản an toàn và thu hút dòng tiền. Vào ngày hôm qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vọt lên trên mốc 3%, càng khiến kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn.

Thị trường cũng chứng kiến sự ưu tiên nắm giữ tiền mặt nhiều hơn - một dấu hiệu điển hình của sự e ngại rủi ro. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Mỹ cho thấy, khách hàng của mình đang phân bổ tài sản tập trung vào các tín phiếu Kho bạc hai năm và nắm giữ tiền mặt, với tỷ trọng lên cao nhất kể từ tháng 9/2008, thời điểm mà cuộc khủng hoảng khi đó đang ở đỉnh điểm.

Ai chiến thắng?

Tuy nhiên, cuối cùng thì gần đây cũng đã xuất hiện trở lại một số dấu hiệu tích cực cho các thị trường mới nổi vốn đã bị bán không thương tiếc thời gian qua. Với sự kết hợp giữa định giá đầu tư rớt về mức hợp lý và dòng vốn chảy khổng lồ của năm nay có thể châm ngòi cho thị trường có lần phục hồi thứ 8 trong 9 cơ hội có được kể từ năm 2009 đến nay.

Với việc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến vào hôm thứ 5 và hy vọng vào các cuộc đàm phán mới nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể phần nào giúp hạn chế dòng vốn tháo chạy.

Cụ thể hôm 13/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất repo một tuần từ 17,75% lên 24%, cao hơn mức dự kiến 21% mà Bloomberg đưa ra trước đó, theo đó giúp đồng lira của nước này ngay lập tức phục hồi 5% so với USD và góp phần giảm nhiệt tình hình căng thẳng tại nước này. Chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi của MSCI sau đó đã tăng hơn 1% vào phiên cuối tuần.

Riêng ở vấn đề thương mại, tổng thống Trump lại tiếp tục gia tăng căng thẳng khi tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và đe dọa thuế suất có thể tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Để đáp trả, Trung Quốc cũng công bố danh mục 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị đánh thuế từ 5-10%. Tuy nhiên theo giới quan sát thì trước sau gì hai cường quốc trên cũng phải ngồi vào bàn đàm phán để thỏa thuận tìm ra hướng đi tốt nhất.

Trong khi đó, bình luận về ngày kỷ niệm sự sụp đổ của Lehman, Ngân hàng Mỹ cũng cho biết một trong những xu hướng lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng là đã có đến 2,5 nghìn tỷ đô la rót vào các quỹ đầu tư thụ động, so với 2 nghìn tỷ đô la bị rút ra khỏi những quỹ đầu tư chủ động.

Thị trường trái phiếu cũng trở thành một người chiến thắng lớn, khi có đến 2,2 nghìn tỷ đô la chảy vào trái phiếu so với 0,7 nghìn tỷ đô la vào cổ phiếu kể từ năm 2009.

ĐỒNG AN

Tại thị trường Việt Nam, dù khối ngoại đã bán ròng rất mạnh trên thị trường cổ phiếu kể từ tháng 4 đến tháng 8, nhưng theo thống kê cho thấy dòng vốn vẫn đang rót vào. Cụ thể dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong 8 tháng qua là 5,28 tỷ USD, tăng mạnh 50,9% so với cùng kỳ năm 2017, thông qua các hình thức góp vốn mua cổ phần các doanh nghiệp trên sàn lẫn chưa niêm yết. Đáng lưu ý, trong những phiên gần đây, khối ngoại đã bắt đầu có động thái mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán, tập trung vào những mã có vốn hóa lớn từng bị bán ròng mạnh trong 4 tháng qua.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/trong-noi-dau-thang-9-12967.html