'Trống' nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số -Bài 1

Một số vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Trị đang 'trống' nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như tiêu chí giao thông, hộ nghèo...

Bài 1: Những miền quê chưa có xã nào đạt nông thôn mới

Điều đáng quan tâm hiện nay là tại nhiều xã miền núi đặc biệt khó khăn trên cả nước nhiều tiêu chí khó đạt được, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của các địa phương để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Nỗi niềm xã vùng biên

Gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã biên giới A Dơi của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đạt được 9 tiêu chí. Đến với địa phương này giữa giai đoạn cả nước xây dựng những miền quê đáng sống, dễ thấy nhất là những con đường trục thôn, bản đã được bê tông hóa nhưng đường làng, từ làng ra ruộng, lên rừng cao su... tất thẩy vẫn còn đường đất, lầy lội, bùn đất như xưa.

Giao thông là tiêu chí còn trống trong xây dựng nông thôn mới ở hầu khắp các xã vùng biên giới, các thôn, bản khó khăn. Ảnh: L.S

Giao thông là tiêu chí còn trống trong xây dựng nông thôn mới ở hầu khắp các xã vùng biên giới, các thôn, bản khó khăn. Ảnh: L.S

Xã A Dơi có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sinh sống, thu nhập chủ yếu từ làm rẫy, trồng sắn, chuối. Khó khăn trong phương kế sản xuất, thu nhập bình quân đầu người ở A Dơi chỉ đạt 7 triệu đồng/năm. Trong đó, các thôn giáp biên như A Dơi Cô, A Dơi Đớ, Xa Doan chỉ có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức 6 triệu đồng/năm, còn xa mới đạt tới mức 22 triệu đồng năm 2019 và 25 triệu đồng năm 2020 như tiêu chí chung xây dựng NTM.

Thu nhập của người dân thấp chỉ là một trong rất nhiều cản trở lớn cho quá trình xây dựng NTM của xã vùng biên. Nhưng quan trọng hơn cả, nhìn vào những gì đã làm được trong 10 năm, vẫn thấy mục tiêu phấn đấu đạt từ 16 - 18 tiêu chí xây dựng NTM năm 2020 là quá sức với một xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào gặp cả khó khăn về cả điều kiện nội lực, ngoại lực.

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 tại xã này, toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trên 46% dân số nằm thuộc diện hộ nghèo.

Diện tích đất tự nhiên của A Dơi khoảng 30.000 ha, trong khi chỉ có hơn 3.000 nhân khẩu, dân cư thưa thớt. Đồng bào dân tộc sinh sống chủ yếu tại đây là Vân Kiều với 473 hộ, 2.243 nhân khẩu, chiếm 65,3% số dân toàn xã A Dơi. Đồng bào Pa Cô chiếm trên 10% số dân.

Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết, dù là xã đặc biệt khó khăn, nhưng ngay từ năm 2011, địa phương đã bắt tay vào xây dựng NTM. Xa trung tâm, việc huy động nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vô cùng khó khăn. Nội lực trong nhân dân thì càng khó bởi người dân nơi đây vốn đã nghèo từ lâu.

Đó chính là lý do khiến trong tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2019 của xã A Dơi là 57,5 tỷ đồng thì toàn bộ là ngân sách Trung ương đầu tư. Nguồn vốn lồng ghép các dự án khác và nguồn vốn nhân dân đóng góp đều là con số 0.

Nội lực duy nhất được ghi nhận là có 8 hộ dân tự nguyện hiến hơn 3.600m2 đất làm đường giao thông và công trình trường học. Và như vậy, từng ấy thời gian, việc xã biên giới A Dơi đạt được 9 tiêu chí, cũng đã có thể coi là một sự nỗ lực phi thường.

Địa bàn miền núi Quảng Trị gồm 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông và một phần thuộc huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, có 47 xã, thị trấn, trong đó có 20 xã và 29 thôn đặc biệt khó khăn - được mệnh danh là "vùng đất của những hộ nghèo".

Bước vào xây dựng NTM, lãnh đạo huyện miền núi Đakrông luôn trăn trở tìm hướng đột phá cho cuộc vận động xây dựng NTM ở địa phương này. Phân tích điều kiện tự nhiên, xã hội của Đakrông, toàn huyện có hơn 38.000 dân, trong đó người Vân Kiều, Pa Cô chiếm hơn 75% dân số, thì số hộ nghèo chiếm tỷ lệ 35%.

Thế mạnh kinh tế của huyện là nông - lâm kết hợp và chăn nuôi. Sau 3 năm nỗ lực cùng vào cuộc xây dựng NTM, kết quả tại vùng kinh tế mạnh nhất huyện như xã Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên cũng chỉ đạt được kết quả từ 5 - 7 tiêu chí. 9/13 xã còn lại rất khó khăn, chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.

Giống như Đakrông, quá trình xây dựng NTM ở Hướng Hóa cũng đang khá chật vật. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn ở mức cao 21,4%, trong đó có 6/22 xã có tỷ lệ nghèo trên 50%. Phần lớn các xã đều sản xuất nông nghiệp nên lực lượng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm tới hơn 80%, cao hơn nhiều so với chuẩn quy định là 35%. Do đó, để đạt những tiêu chí xây dựng NTM thực sự là bài toán hóc búa.

Nỗ lực bất thành

Mục tiêu ban đầu được huyện Hướng Hóa đặt ra cho A Dơi là phấn đấu đến năm 2020 có 1 thôn đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Thực hiện mục tiêu này có sự hỗ trợ xây dựng thực hiện đề án theo Quyết định 1385/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Với việc đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ nên tỷ lệ hộ nghèo của xã A Dơi vẫn ở mức cao. Ảnh: L.S

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu đề ra. Theo ông Hồ Xa Cách, việc chưa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở đây có cả yếu tố khách quan. Năm 2019, xã A Dơi đăng ký 2 thôn, bản (Tân Hải và Hợp Thành) đạt chuẩn NTM đến năm 2020. Nhưng do chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn bản, dẫn đến 2 thôn này đều nằm trong diện phải sáp nhập với thôn khác để đạt quy mô thôn bản theo quy định, và đã hình thành thôn mới là thôn Đồng Tâm và thôn Prin Thành.

Đến nay, qua rà soát các tiêu chí thì cả 2 thôn này đều không đạt NTM đối với thôn bản đều cần sửa đổi đề án thực hiện đạt chuẩn NTM. Trong đó, thôn Đồng Tâm với 10/19 tiêu chí đã hoàn thành được lựa chọn chỉ đạo điểm.

Cách A Dơi chừng 34km, lãnh đạo xã Ba Nang (huyện Đakrông) cũng cùng chung nỗi trăn trở. Xã Ba Nang với đa số dân là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều vẫn ngổn ngang sau 10 năm xây dựng NTM. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ với tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm trên 52%, thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang, dù đã rất nỗ lực, sau 10 năm xây dựng NTM, hiện xã biên giới núi vùng cao này chỉ đạt 5/19 tiêu chí.

Theo ông Hồ Xuân Hòe, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Trị cho biết, tiến độ hoàn thành các tiêu chí chậm do nhiều nguyên nhân. Trước hết, do các xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

“Ngoài ra, một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, chưa chủ động, mạnh dạn phát triển sản xuất, năng lực của một số cán bộ cơ sở còn hạn chế, hiệu quả công việc chưa cao”, ông Hồ Xuân Hòe phân tích.

Đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị có 40 - 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM là mục tiêu đặt ra theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thôn, bản nào trong 93 thôn, bản thuộc đề án đạt chuẩn NTM; số tiêu chí đạt bình quân của các thôn ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông là 6,57 tiêu chí/thôn, bản; trong đó, bình quân ở huyện Hướng Hóa là 6,26 tiêu chí và bình quân ở huyện Đakrông là 6,9 tiêu chí/thôn, bản. Do các thôn, bản thuộc các xã đã được chọn trong đề án hiện đang thiếu nhiều tiêu chí, tập trung vào tiêu chí khó thực hiện như thu nhập, hộ nghèo, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất… nên để thực hiện đảm bảo mục tiêu của đề án là rất khó khăn.

Bài cuối: Vượt khó cho mục tiêu nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

L. Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trong-nhieu-tieu-chi-trong-xay-dung-nong-thon-moi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-bai-1-20200702190446965.htm