Trồng nấm công nghệ cao

Nhóm bạn 3 người cùng sinh năm 1986, gồm: Nguyễn Trương Kiến Khương, Nguyễn Hữu Văn và Phạm Tuấn Đạt đã quyết định khởi nghiệp từ việc thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vinh Phúc (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu).

Nguyễn Trương Kiến Khương (bìa trái) và Nguyễn Hữu Văn kiểm tra trại nấm của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vinh Phúc (huyện Vĩnh Cửu).

Bộ 3 khởi nghiệp với mô hình trồng nấm theo hướng sạch, áp dụng công nghệ cao. Trong đó, anh Khương hiện là giám đốc của hợp tác xã.

* Hiện thực hóa luận văn tốt nghiệp

Anh Khương kể: “Tôi vốn là sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học, thích tìm hiểu về nấm. Vào năm cuối đại học, tôi theo một giảng viên chuyên dạy về nấm ở Viện Sinh học Tây Nguyên lên Đà Lạt tìm hiểu về mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu. Sau đó, tôi chọn đề tài về loại nấm này để làm luận văn tốt nghiệp và tiếp tục ở đây học hỏi, nghiên cứu sâu hơn”.

Cuối năm 2016, anh Khương đã quyết định xin nghỉ việc để cùng nhóm bạn đồng trang lứa gồm: Nguyễn Hữu Văn (cùng học chuyên ngành nấm với anh Khương) và Phạm Tuấn Đạt (kỹ sư xây dựng) khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm rơm.

“Nhóm chúng tôi gần như xin nghỉ việc cùng lúc để toàn tâm toàn ý xây dựng mô hình trồng nấm công nghệ cao. Cả nhóm muốn “làm cú lớn” trong đời nên dồn tất cả những gì mình tích cóp cả về kinh nghiệm lẫn tài chính sau gần 10 năm đi làm để bắt tay thực hiện” - anh Khương chia sẻ.

* Nấm sạch kết hợp “farm stay”

Cả nhóm phân công công việc cụ thể, anh Khương và anh Văn lo về khâu liên quan đến công nghệ, sản xuất nấm, trong khi anh Đạt phụ trách thiết kế và lo khâu xây dựng các nhà xưởng, phòng nghiên cứu…

Đến tháng 4-2017, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vinh Phúc của 3 chàng trai chính thức được thành lập. Mô hình trồng nấm được đầu tư xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất 6 ngàn m2, trong đó có đầy đủ các phòng nghiên cứu, phòng phối trộn nguyên liệu trồng nấm, phòng nuôi nấm theo công nghệ tự động…

Khởi đầu của họ không hề suôn sẻ. Anh Khương cho hay: “Trong gần nửa năm đầu tiên, chúng tôi liên tiếp gặp thất bại bởi sản lượng nấm không đạt yêu cầu, thường xuyên hư hỏng”. Sau đó, họ cùng nhau bàn bạc, tìm hiểu và quyết định mô hình chuyên trồng nấm rơm, bởi đây là loại nấm phù hợp với điều kiện ở địa phương, lại có nhiều cơ hội về đầu ra. Khác với cách trồng nấm rơm thông thường là ủ rơm và cấy nấm ngoài trời, mô hình của Hợp tác xã Vinh Phúc lại ủ nguyên liệu, lên men và cấy nấm trong buồng kín với các thông số phù hợp.

Anh Khương chia sẻ: “Cách làm này giúp cho nấm ít bị nhiễm bệnh, cho chất lượng tốt và năng suất ổn định hơn. Trung bình mỗi ngày, trại nấm cho thu hoạch khoảng 50kg. Hiện tại, chúng tôi cung cấp nguồn nấm rơm thương phẩm ổn định cho một số khu vực trong tỉnh. Mới đây, một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ nấm của hợp tác xã”.

Hợp tác xã đang chuẩn bị xây thêm nhà trồng nấm, nghiên cứu để trồng thêm nấm bào ngư, nấm mèo... Ngoài nấm thương phẩm, trại nấm còn bán giống cho người dân. Với nguồn thu từ bán nấm, bán giống…, mô hình bắt đầu có lợi nhuận. “Chúng tôi dự định hướng đến mô hình trồng nấm sạch, hiện đang hoàn thiện theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với farm stay (du lịch nông nghiệp) về nấm. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ mở rộng liên kết với nông dân trồng theo các tiêu chuẩn của mình để có nguồn hàng lớn và dài hạn” - anh Khương cho biết.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201812/trong-nam-cong-nghe-cao-2924769/