Trong năm 2019, phải xử lý dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên

Chiều nay 27/11, với tỷ lệ tán thành 92,34%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Theo đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế và công tác quy hoạch báo chí là hai trong số nội dung quan trọng được Quốc hội thông qua.

Tăng cường thanh tra công tác cán bộ

Ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực nội vụ, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, làm cơ sở sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách tiền lương.

 Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết

Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, phân loại đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với các nội dung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ; Xử lý nghiêm các sai phạm, xem xét thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, vi phạm các quy định trong thực thi công vụ, không đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Trong năm 2019, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp và bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức diện dôi dư.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, trong năm 2019, xử lý dứt điểm những bất cập về hợp đồng đối với giáo viên và nhân viên y tế. Chỉ đạo sát sao đối với việc thực hiện tinh giản số lượng người làm việc trong ngành giáo dục, y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, song vẫn phải bảo đảm đủ khả năng cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho xã hội.

Siết chặt hoạt động báo chí

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ TT&TT tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016; Tiếp tục khẩn trương triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Khẩn trương ban hành quy định của pháp luật để quản lý hoạt động của tạp chí điện tử; Phân định rõ tính chất chuyên ngành, định kỳ của tạp chí; rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan báo chí. Trong năm 2020, ban hành hướng dẫn về liên kết trong hoạt động báo chí.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, Tổng biên tập trong việc quản lý Văn phòng đại diện, cơ quan thường trú, phóng viên và nội dung thông tin; Chú trọng công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp người làm báo; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát chặt chẽ các điều kiện về cấp phép trong lĩnh vực báo chí, việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, quy định của pháp luật về báo chí.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, Tổng biên tập trong việc để xảy ra vi phạm; Thiết lập và phát triển đường dây nóng phản ánh sai phạm trong hoạt động báo chí tại địa phương. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ và phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ ngành tăng cường hiệu quả công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt là các Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội; Xử lý nghiêm tình trạng trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng; Chủ động phối hợp, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, báo chí.

Có giải pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm việc lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lừa đảo, đánh bạc, quảng cáo không đúng sự thật, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội,… Sớm ban hành văn bản quy định về xử lý vấn đề tin giả, về bảo vệ thông tin cá nhân. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên không gian mạng; tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng “sim rác”, “tin nhắn rác”, “cuộc gọi rác”.

Khẩn trương ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng truyền thông xã hội trong nước; có chính sách phát triển các doanh nghiệp số Việt Nam; Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài và sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai hiệu quả Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; Xây dựng, ban hành Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2020-2030; Tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực…

Đặc biệt, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh; rà soát, tổng kết, đánh giá, hoàn thiện pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Sớm ban hành quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam; Giám sát chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng, giả mạo xuất xứ Việt Nam; Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tiếp tay cho gian lận thương mại…

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/trong-nam-2019-phai-xu-ly-dut-diem-nhung-bat-cap-ve-hop-dong-doi-voi-giao-vien-322676.html