Trong năm 2017, đã có 21.000 bệnh nhân tử vong do ung thư phổi

Trong năm 2017 Việt Nam có khoảng 24.000 bệnh nhân mắc ung thư phổi phải điều trị trong đó 21.000 bệnh nhân tử vong do căn bệnh này. Bệnh gặp chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động.

Chuyên gia chia sẻ phương pháp điều trị ung thư tại hội thảo quốc tế Việt Pháp

Đây là thông tin được lãnh đạo BV K cho biết tại hội thảo quốc tế Việt Pháp diễn ra vào chiều 7/11. Hội thảo này tập trung trung vào tất cả các lĩnh vực trong điều trị ung thư phổi, từ phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, đặc biệt là bàn về liệu pháp điều trị miễn dịch – phương pháp mới nhất trong điều trị ung thư hiện nay. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều GS.TS hàng đầu trong lĩnh vực ung thư đến từ Pháp, trong đó có các chuyên gia của 6 bệnh viện lớn ở Paris.

Để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó khăn. Từ các phương pháp cũ như chụp Xquang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng.

Hơn nữa, bệnh ung thư phổi tiến triển rất nhanh. Có thể bệnh nhân mới chụp Xquang 6 tháng trước chưa phát hiện gì bất thường nhưng 6 tháng qua thì đã mắc ung thư phổi giai đoạn muộn.

Thực tế tại Bệnh viện K, 2/3 bệnh nhân mắc ung thư phổi được phát hiện, đến viện điều trị ở giai đoạn muộn. Khi đó, đã xuất hiện đầy đủ các biểu hiện của bệnh như tức ngực, ho, khó thở, khả năng điều trị ở giai đoạn sớm (phẫu thuật) không cao mà phải điều trị xạ trị, hóa chất luôn…

Tại Việt Nam, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, đặc biệt là việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích trong điều trị ung thư phổi đã mang lại những kết quả khả quan. Có những bệnh nhân ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn, khi có đột biến gen nhưng điều trị đích đã kéo dài được cuộc sống, có trường hợp sống được 5-6 năm dù không nhiều.

Đặc biệt, gần đây nhất là liệu pháp điều trị miễn dịch được một số bệnh viện áp dụng, đây là một tiến bộ lớn của y học giúp kéo dài thêm cuộc sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn.

Dù vậy, phải thừa nhận là việc điều trị ung thư phổi hiện cũng còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ bệnh nhân kéo dài được cuộc sống sau 5-6 năm còn rất ít. Tại Việt Nam, trong năm 2017 tiếp nhận điều trị 24.000 bệnh nhân mắc ung thư phổi và ghi nhận 21.000 bệnh nhân tử vong do căn bệnh này.

Về độ tuổi mắc ung thư phổi có trẻ hóa nhưng chưa nhiều, gặp chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là ở người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động.

Vì vậy, những người từ 50 tuổi trở lên, những đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc lá, người thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động… thì nên chủ động đi tầm soát ung thư khoảng 6 tháng- 1 năm/ lần.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/trong-nam-2017-da-co-21000-benh-nhan-tu-vong-do-ung-thu-phoi-post281163.info