Trồng mít gì ra nhiều trái nứt cả cây, ai cũng chê bán giá rẻ mà vẫn đút túi 4 tỷ/năm

Gia đình ông Trần Minh Chánh ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh trồng 17ha mít, trong đó 10ha đã cho thu hoạch, sản lượng hằng năm đạt 500 tấn.

Giá mít dao động từ 5 đến 12 đồng/kg tùy loại. Mỗi năm cũng đem lại cho gia đình ông nguồn thu khoảng 4 tỷ.

Ông Chánh cho biết, mít Thái lá bàng có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ bàng phân bổ rộng rãi và dày đặc nên có khả năng chịu hạn rất tốt. Trồng loại mít này chi phí rất thấp. Bình quân mỗi năm 1 cây chỉ tốn 30 ngàn cho tất cả các chi phí. Đây là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái, trưởng thành có từ 40 - 50 trái/cây. Mỗi trái nặng khoảng 6 - 12kg nhưng nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14 - 15kg.

Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện (bên phải) giới thiệu về giống mít Thái lá bàng

Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện (bên phải) giới thiệu về giống mít Thái lá bàng

Mít Thái lá bàng có ưu điểm là ra trái quanh năm, ít sâu bệnh. Múi của loại mít này vị ngọt đậm, giòn, thơm nên được thị trường ưa chuộng. Mít Thái lá bàng giá bán không cao bằng mít Thái siêu sớm nhưng lại ổn định hơn, nhiều thương lái mua hơn, bởi ngoài ăn sống thì mít Thái lá bàng còn dùng để làm mít sấy khô.

Do mít ngọt nên cũng thu hút nhiều loại sâu hại, côn trùng tìm đến. Cho nên phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Ngoài sâu đục trái, mít cũng hay bị sâu đục thân phá hại. Đây là băn khoăn của các nhà vườn trồng mít như ông Chánh.

Công nhân Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp bao trái mít

Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Thiện, huyện Bù Đốp cũng trồng được 100ha mít Thái lá bàng. Dù mới thu hoạch được 1/3 diện tích, nhưng sản lượng trung bình một năm cũng đạt trên 1.200 tấn. Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc hợp tác xã cho biết, loại mít này nhanh ra trái, chỉ sau 18 tháng trồng là cây cho trái bói. Năm thứ 3 sản lượng đạt khoảng 1 tấn/ha, năm thứ 4 đạt 8 tấn/ha và các năm sau, khi cây đã lớn, sản lượng tăng lên từ 30 tấn đến 60 tấn/ha. Để cây mít phát triển, cứ 40 ngày là ông Vị cho công nhân xịt thuốc, bón phân, tỉa cành cây mít một lần. Ðiểm đặc biệt của cây mít Thái lá bàng là cho trái nhiều nên dẫn đến tình trạng cây bị nứt thân và chết. Bên cạnh đó vấn đề mít hay bị sượng múi cũng là điều mà anh Vị băn khoăn.

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở tỉnh Bình Phước, người nông dân có khả năng làm giàu từ cây mít. Hiện nay, đầu ra của cây mít đã có nhiều thuận lợi. Mít không những dùng để ăn tươi mà còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nước quả, sấy khô phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy vấn đề chăm sóc, phòng bệnh cho cây mít được bà con nông dân đặc biệt quan tâm.

(Theo Báo Bình Phước)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/trong-mit-thai-la-bang-thu-lai-lon-700757.html