Trồng mía đất dốc, quýt đất phèn, bơ trái vụ thắng lớn

Mạnh dạn trồng mía tím trên đất dốc, cải tạo đất chua phèn để trồng quýt ngọt, hay kiên trì trồng bơ trái vụ, đã khiến bà con nhiều địa phương thắng 'đậm'.

Sơn La: Tăng diện tích trồng mía tím trên đất dốc

Tính đến nay, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã (Sơn La), đã chuyển đổi 9 ha đất trồng ngô, sắn trên đất dốc năng suất thấp, sang trồng mía tím, tập trung ở các bản: Quyết Thắng, Chiềng Khương, bản Híp... nâng diện tích trồng mía trong xã lên trên 65ha, sản lượng bình quân đạt 1.755 tấn/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Vườn mía tím của người dân xã Chiềng Khương (Sông Mã).

Đi qua cây cầu cứng nối hai bên bờ sông Mã, chúng tôi đến bản Quyết Thắng (Chiềng Khương), là một trong những bản trồng nhiều mía nhất trong xã. Trưởng bản Lương Văn Nam chia sẻ: Mía tím là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp. Bắt đầu trồng từ tháng 2, đến tháng 9 cho thu hoạch. Hiện, cả bản có gần 30 ha mía, năng suất bình quân đạt trên 27 tấn/ha, sản lượng ước trên 796 tấn/vụ.

Ở bản Chiềng Khương, việc trồng mía đã góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Ông Lò Văn Nghiệp, Bí thư Chi bộ bản Chiềng Khương, cho biết: Những năm qua, nhiều hộ gia đình trong bản đã chọn trồng mía tím để phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/vụ từ trồng cây mía tím. Điển hình là gia đình anh Lò Văn Tân trồng hơn 1 ha mía, sản lượng bình quân gần 29 tấn/ha, thu gần 150 triệu đồng/vụ. Hay gia đình anh Tòng Văn Hợp, trồng 1,5 ha mía, sản lượng trên 40 tấn, thu hơn 200 triệu đồng/vụ, góp phần giảm số hộ nghèo ở bản xuống còn 14 hộ.

Đến Chiềng Khương bây giờ, trên các quả đồi bạt ngàn mía, người dân đang khẩn trương thu hoạch mía. Ven đường quốc lộ 4G đoạn qua xã, nhiều người bày bán mía cho tư thương và khách đi đường. Trò chuyện với chị Lò Thị Dương, bản Chiềng Khương (Chiềng Khương) chúng tôi được biết, năm nay mía được mùa, cây nào cũng đều tăm tắp, vì vậy việc bán cũng dễ dàng hơn. Trung bình một cây mía có giá từ 6.000 - 8.000 đồng. Gia đình tôi có 2 ha mía, dự kiến sản lượng mía năm nay sẽ thu gần 60 tấn, với giá bán hiện tại sẽ được hơn 300 triệu đồng.

Theo thống kê, 100% số hộ trồng mía ở xã Chiềng Khương đã thoát nghèo, trong đó nhiều hộ giàu lên từ cây mía. Điều này cho thấy, mía tím đã và đang là cây trồng chủ lực của Chiềng Khương trong phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Hậu Giang: Quýt đường ưa đất phèn chua

Kế thừa kết quả nghiên cứu của đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất và phẩm chất quýt đường ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” (gọi tắt là đề tài quýt đường) do GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm, năm qua, ngành khoa học tỉnh đã ứng dụng và nhân rộng thành công mô hình trồng quýt đường trên đất phèn chua .

Vườn quýt đường của ông Tự tăng 15% so vườn đối chứng

Năm 2014, đề tài quýt đường được nghiệm thu với kết quả đánh giá khá cao. Đề tài đã thực hiện thành công mục tiêu nâng cao năng suất quýt đường ở Phụng Hiệp lên hơn 15% so với vườn đối chứng của nông dân ngoài mô hình. Nhớ áp dụng phụng phương pháp mới, chất lượng trái quýt đường ở Phụng Hiệp đạt tiêu chuẩn loại 1 tăng hơn 10% so với vườn đối chứng. Từ đó, ngành khoa học tỉnh, các địa phương đã triển khai rộng rãi xuống nông hộ để phát triển đại trà, đến nay đã thành dự án ứng dụng.

Ông Lê Thanh Tự, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã ứng dụng kỹ thuật trồng quýt đường trên 1.000m2 đất vườn nhà mình, cho biết: “Sản lượng quýt đường năm 2017, tăng hơn 15%, so năm trước, nhờ ứng dụng phương pháp tiên tiến mới. Theo đó, năm 2014, tôi được tham gia mô hình trồng quýt đường của thầy Vệ. Kết thúc nghiên cứu, đến nay tôi vẫn làm theo kỹ thuật mà mình được tập huấn. Nhờ vậy, vườn quýt nhà tôi nâng cao được năng suất, kéo dài tuổi thọ cây”.

Theo ông Tự, trồng theo hướng dẫn của nhà khoa học rất bài bản nhưng cũng không khó để thực hành. Đó là đầu tiên phải bồi liếp cao hơn so với mặt nước trong vườn, sử dụng lân dễ tiêu để cải tạo đất phèn. Từ kinh nghiệm đó, sau mỗi vụ thu hoạch quýt, ông Tự đều bón lót phân hữu cơ, tỉa cành, tạo tán và bơm sình bồi gốc cho cây không bị ngập nước, ứ phèn.

Đối với bón thúc cho cây thì sử dụng phân đa thành phần chứ không tập trung bổ sung một loại phân đạm như trước. Ngoài ra, còn bổ sung thêm phân lân, canxi và kẽm để hạ độ chua, cải tạo đất. Bởi, theo các nhà khoa học, việc cung cấp canxi, nitrat kali trong giai đoạn phát triển trái sẽ giảm hiện tượng nứt vỏ trái, cải thiện chất lượng trái. Qua nhiều khảo sát và khuyến cáo của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ và PGS.TS Trần Văn Hâu nên phun nitrat kali với nồng độ 0,5% phun 5 lần (6 tuần/lần) giai đoạn 2 tháng sau khi đậu trái (trái có đường kính 1-2cm) sẽ cho trái lớn (165g/trái) và đạt năng suất cao (27,2kg/cây).

Cũng nhờ chăm sóc kỹ, áp dụng nhiều tiến bộ mới mà từ vụ quýt năm 2016 đến nay, vườn quýt của ông Tự cho năng suất từ 2,5-3 tấn trái/năm, cao hơn cách trồng bình thường. Hơn nữa, trái quýt vẫn có vị ngọt thanh, kể cả mùa mưa hay vụ lạc hậu. Ông Tự chia sẻ: “Quýt nhà tôi chất lượng hơn nên được thương lái mua cao hơn mấy hộ xung quanh ít nhất 2.000 đồng/kg. Tất cả cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân, tưới nước đúng đủ, nhất là tay nghề được nâng cao nên đem đến thành công”.

Ông Trần Văn Út, ở cùng ấp Mỹ Hưng, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong canh tác quýt đường cũng phải thán phục cách làm mới này. Trong đó, ông tâm đắc nhất là phương áp tưới nhỏ giọt, bón lân hạ phèn. Vì vậy, ông cũng ứng dụng tỉa cành, tạo tán, bón đa vi lượng cho quýt. Năm 2017, vụ quýt chính vụ của vườn cây 4 năm tuổi của ông nhờ áp dụng quy trình mới mà cho năng suất đạt khoảng 3,5-4 tấn/công, cao hơn so với những năm trước khoảng 500kg/công. Với giá bán thấp nhất là 13.000 đồng/kg, khi trừ hết chi phí thì mỗi công quýt đường cho lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.

Mặc dù huyện Phụng Hiệp không phải là vùng chuyên canh cây quýt đường, tuy nhiên diện tích cây trồng này ở huyện Phụng Hiệp đến nay lên trên 450ha, tập trung ở xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu, với tổng sản lượng hàng năm đạt gần 1.300 tấn. Có lẽ nhờ những kết quả nghiên cứu khoa học mới được nhân rộng ứng dụng mà vùng đất phèn Phụng Hiệp hiện nay đã được cải tạo tốt hơn. Đất phèn được ngọt hóa để thích hợp cho những cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như quýt đường bén rễ, giúp đời sống nhà nông Phụng Hiệp thêm sung túc.

Đồng Nai: Thắng “đậm” từ trồng bơ trái vụ

Ông Ngô Văn Quy ở xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) là người đi đầu trong mô hình trồng bơ trái vụ cho thu nhập 600-800 triệu đồng/hécta/năm tại thị xã.

Bơ trái vụ trong vườn nhà ông Quy

Mặc dù năm nay đã 71 tuổi nhưng ông Quy rất đam mê làm nông nghiệp, mạnh dạn đưa giống bơ trái vụ về trồng. Sau nhiều lần thất bại với các giống bơ không hiệu quả, ông vẫn tiếp tục đi tìm mua các giống mới về trồng. Đến nay vườn bơ nhà ông đang sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Với diện tích trên 5 hécta trồng bơ trái vụ, hiện có gần một nửa đang cho thu hoạch, giá thu mua bơ trái vụ trên thị trường luôn ở mức cao từ 40- 50 ngàn đồng/kg, có lúc lên 80 ngàn đồng/kg.

Giống bơ ông lấy từ Cơ sở Quốc Minh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh trưởng tốt, năng suất cao, cho thu hoạch vào tháng 11-6. Ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-4 quả/kg, ruột vàng và có giá trị dinh dưỡng cao. Xử lý bơ trái vụ và cho trái sớm lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với bơ chính vụ trong khi chi phí không tăng.

An Như (Tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/trong-mia-dat-doc-quyt-dat-phen-bo-trai-vu-thang-lon-post3943.html