Trông mai ngóng tết

Cứ gần tới cuối năm, dương lịch là ngày bao nhiêu đôi khi má tôi quên bẵng mà chỉ nhớ ngày âm lịch. Chuyện này, ngày trước nội tôi cũng thế. Ngày nào nội cũng mấy bận lật lịch coi đi coi lại hôm nay là ngày mấy tháng Chạp rồi, để canh ngày mà lặt lá mai.

Lá mai phải lặt vào ngày rằm tháng Chạp thì bông mới nở đẹp đúng vào ba ngày tết, nên không chỉ riêng nhà tôi mà cả xóm tôi đều canh đúng rằm là lặt lá mai. Nhà chú Ba ới sang bên rào một tiếng là cậu Bảy cũng lật đật giục sắp nhỏ ra sân phụ tuốt lá mai và tất nhiên đám con nít tụi tui mấy ngày này “có giá” vì hay được giao vụ này. Đứa xách xô gom lá lại, đứa phụ lặt rồi quét sân, tưới nước cho cây…

Cả đám con nít kéo nhau đi dạo một vòng quanh xóm, thấy nhà nào trồng nhiều mai là nhào vô phụ một tay một chân liền, rồi lại tiếp tục “đi tuần” hết một lượt từ đầu trên xóm dưới. Mai nhà nào cũng sạch bách lá, chỉ còn thân, vậy là cả đám cười khúc khích rồi thi nhau cá độ coi năm nay mai nhà ai nở đúng tết. Tất nhiên là có tỷ lệ rủi ro, có nhà trước tết vài ngày mai đã nở bung bét, có nhà thì tới mùng 10 Tết bông mới chịu nở, còn nở đúng ngày mùng 1 Tết thì coi như lộc hên cho gia chủ, năm mới mần ăn tấn tới.

Hoa mai vàng đặc trưng của ngày tết ở miền Nam. Ảnh: KHANH TRỊNH

Hoa mai vàng đặc trưng của ngày tết ở miền Nam. Ảnh: KHANH TRỊNH

Ngày nhỏ, nội dạy tôi lặt lá mai để bỏ đi cho cây ra lá mới, nhưng cũng phải nhẹ nhàng chứ không có ào ào được. Mai độ rằm tháng Chạp đã bắt đầu có những búp nhỏ xíu xiu, tuốt lá không khéo thì rụng hết búp, tệ hơn nữa là gãy cành và cũng phần vì cây mai do ông nội trồng nên bà cẩn thận, chăm từng chút cũng là vậy.

Nhiều năm trước, khi ba và bác tôi hay đi làm ăn xa nhà, lặt lá mai xong nội hay ngồi tính: “Còn mười ngày nữa là giẫy mả (tảo mộ) ông bà, không biết tụi nhỏ có về được không?”. Vậy là chiều đó, tôi với má lại í ới cho ba qua điện thoại, nhắc ba về cho đúng ngày để nội trông… Và chiều nay tôi cũng thế, sau giờ làm đã gọi về nhà, hỏi ba chuyện đi giẫy mả ông bà, rồi nhắc ba lặt lá mai.

“Cha mày, trứng mà đòi khôn hơn vịt hả con? Tao lặt lá mai từ sáng sớm rồi nghen con, chỉ có bây đi làm mới lo quên ngày quên tháng, chứ ba bây giờ như nội ngày xưa, nhớ hết trơn á”, ba cười khà khà trong điện thoại, cái giọng hệt ông nội tôi ngày xưa.

Nhìn cây mai trước sân nhà không còn lá, ai nấy cũng biết tết gần lắm rồi. Nhà nào cũng bắt đầu tính chuyện nếp, đậu để gói bánh tét, rồi bánh, mứt trước cúng ông bà, sau làm quà cho sắp nhỏ và có cái mời cô bác, khách khứa tới nhà trong ba ngày tết. Trong nhịp sống bây giờ, người ta có thuốc để phun cho lá mai tự rụng mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, vì nhà vườn bạt ngàn mai làm sao đủ người để tuốt lá từng cây một. Và mai bây giờ cũng có muôn vàn lựa chọn chứ không đơn thuần chỉ có mai vàng năm cánh như xóm ở quê tôi.

Phương Nam không rõ rệt bốn mùa hương sắc, nhưng hễ rằm tháng Chạp thì người ta nhớ tuốt lá mai, như một thông lệ của tự nhiên, để nhắc nhở con cháu rằng những ngày tảo mộ ông bà cũng sắp tới, tết đang ngấp nghé ngoài sân… Tất cả cùng mong chờ những cánh hoa vàng rực như nắng ấm miền Nam.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trong-mai-ngong-tet-711737.html