Trồng lúa giống TBR279 tốt như thế nào mà được bao tiêu giá cao?

Vụ đông xuân 2018 – 2019, HTX nông nghiệp Đại Thắng đã mạnh dạn liên kết với Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed sản xuất 40ha giống lúa TBR279 tại cánh đồng Gia Cẩn (thôn Phú Bình Tây, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), với 150 hộ dân tham gia.

Được mùa, được giá nông dân phấn khởi

Giống lúa TBR279 được công nhận là giống quốc gia vào đầu năm 2019, nhưng tại Quảng Nam giống lúa này đã được trồng thử nghiệm 5 mùa vụ. Trong các vụ sản xuất trước, TBR279 đã khẳng định được những ưu thế vượt trội nên được nông dân cũng như nhiều địa phương trong tỉnh tin tưởng để mở rộng diện tích sản xuất.

Cánh đồng sản xuất giống lúa TBR279 tại thôn Phú Bình Tây, xã Đại Thắng. Ảnh: T.H

Cánh đồng sản xuất giống lúa TBR279 tại thôn Phú Bình Tây, xã Đại Thắng. Ảnh: T.H

Ông Võ Văn Nghi cho rằng, để đưa vào sản xuất rộng rãi, Công ty Thái Bình Seed cần tiếp tục hoàn thiện tính ổn định về di truyền, độ đồng đều của giống. Đồng thời cần đưa ra trình diễn trên nhiều vùng, nhiều huyện ở Quảng Nam, phối hợp với cơ quan chuyên môn để theo dõi, đánh giá cụ thể, khoa học khách quan...

Theo đánh giá của ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX Đại Thắng cũng như các hộ dân tham gia sản xuất thì giống lúa này có nhiều ưu điểm, thời gian sinh trưởng ngắn (trong vụ đông xuân khoảng từ 95 – 100 ngày) nên rất thuận lợi cho trong việc bố trí lịch thời vụ để đảm bảo nước tưới ở các kênh, nhất là vụ hè thu tránh được thời tiết mưa gió, tránh lụt cuối vụ, khả năng đẻ nhánh khá, gọn khóm, tỷ lệ thành bông hữu hiệu cao.

Nếu như đối với các giống lúa khác đang được sử dụng ở địa phương thường bị khô vắn, đạo ôn, khô cổ bông… với tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao, thì đối với giống TBR279 khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hại này tương đối tốt.

“Vụ này tôi sản xuất 1,3ha giống lúa TBR279, với lượng giống sạ là 3kg/sào và nhận thấy cây lúa phát triển rất tốt, đẻ nhánh khỏe. Đặc biệt lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất…” - lão nông Lê Công Tú ở thôn Bình Tây, xã Đại Thắng nói.

Nông dân Lê Văn Ba (thôn Phú Bình) cho hay: Năm nay không những tôi mà các hộ sản xuất lúa giống TBR279 ở đây đều được mùa, năng suất cao. Nhà tôi sản xuất hơn 4 sào lúa giống TBR279, năng suất bình quân từ 60-65 tạ/ha. Nếu như trước đây và cũng tại vùng đất này, sản xuất lúa thường năng suất chỉ đạt trên 55 tạ/ha, thu nhập được khoảng từ 1,5-1,7 triệu đồng/sào, thì khi sản xuất lúa giống TBR279 với năng suất như vậy, tôi dự kiến sẽ thu về khoảng gần 2,5 triệu đồng/sào.

"Đặc biệt hơn nữa là chúng tôi được Công ty Thái Bình Seed cho mua chịu giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra, nên bà con nhân dân chúng tôi rất phấn khởi…", ông Ba nói thêm.

Cơ cấu vào sản xuất

Tại hội thảo đánh giá mô hình sản xuất giống lúa thuần TBR279 vừa được Sở NNPTNT; Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed tổ chức tại Quảng Nam ngày 6.4, ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX Đại Thắng đánh giá TBR279 là giống lúa chất lượng cao, hạt dài, có mùi thơm, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha.

Với giá trị quy đổi được tính bằng giá giống HT1 thị trường tại thời điểm thu mua nhân với tỷ lệ quy đổi như vậy, giống lúa TBR279 sẽ có giá bán cao nhất thị trường hiện nay, hiệu quả mang lại cho nhân dân là rất lớn.

Theo ông Hùng, với những ưu điểm đó, có thể nói đây là giống “đạt chuẩn” để phát triển mạnh trên thị trường để người dân được tiếp cận. Như vậy, từ nay người nông dân Đại Thắng nói riêng và cả nước nói chung có thêm bộ giống mới với nhiều ưu điểm vượt trội được đưa vào sản xuất. “HTX đề xuất với công ty được tiếp tục sản xuất ở vụ Hè Thu và mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo; tăng cường cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTX trong quá trình tổ chức sản xuất…” – ông Hùng mong muốn.

Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cho hay, đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn sử dụng chủ yếu là giống HT1 nhưng qua nhiều năm thì giống này cũng thoái hóa nên cần nhiều giống mới để thay thế. Với giống TBR279 được đưa vào Quảng Nam khảo nghiệm 5 – 6 vụ vừa qua, bước đầu đánh giá có khả năng thay thế được giống HT1 và cơ cấu vào sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Còn ông Triệu Tấn Phú – Giám đốc Công ty cây trồng Miền Trung – Tây Nguyên thuộc Thái Bình Seed, cho biết, giống lúa TBR279 có nhiều ưu điểm như ngắn ngày, phù hợp với định hướng cơ cấu giống của tỉnh; Chất lượng gạo thơm ngon, giá cả thu mua bằng HT1, phù hợp với thị trường, thị hiếu; thấp cây; lá đồng đẹp, đứng lá... Thời gian tới công ty tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương.

Đoàn Hồng - Trần Hậu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/trong-lua-giong-tbr279-tot-nhu-the-nao-ma-duoc-bao-tieu-gia-cao-970088.html