Trong làn sóng sa thải, Đông Nam Á vẫn 'khát' tài năng công nghệ

Làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ đang diễn ra ở hầu hết các khu vực trên thế giới và Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nhìn chung, nhân tài công nghệ trong khu vực vẫn khan hiếm và nhiều công ty đang chuyển sang tuyển dụng nhân sự làm việc từ xa để tiết kiệm chi phí.'Cơn khát' tài năng công nghệ vẫn tồn tại trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả ở Singapore, nơi diễn ra hầu hết vụ sa thải và ngừng tuyển dụng trong thời gian gần đây. Ảnh: Vulcan Post

Do vốn đầu tư huy động suy giảm và rủi ro kinh tế thế giới suy thoái, các công ty công nghệ ở Đông Nam Á bắt đầu siết chặt ngân sách bằng các biện pháp như tạm dừng tuyển dụng và sa thải bớt nhân sự.

Các công ty công nghệ như Sea Ltd. (công ty mẹ của Shoppee), sàn giao dịch tiền ảo Crypto.com (Singapore), nền tảng thương mại điện tử JD.ID (Indonesia) nằm trong số những công ty mạnh tay cắt giảm nhân sự. Trong những tuần qua, chỉ riêng ngành công nghệ Singapore đã chứng kiến hơn 2.600 việc làm bị sa thải. Giới đầu tư nhận định đây chỉ là điểm khởi đầu cho làn sóng sa thải của ngành công nghệ khu vực.

Jessica Huang Pouleur, đối tác của Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Openspace, cho biết: “Năm ngoái, vốn rẻ tràn ngập thị trường, cho phép các công ty công nghệ thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá. Họ đã nhanh chóng thuê nhiều nhân sự và giờ đây, phải sa thải bớt khi gặp bất ổn. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều việc làm công nghệ bị cắt giảm hơn trong những tháng tới”.

Dù vậy, bức tranh thị trường việc làm công nghệ ở khu vực chưa đến mức quá xấu.

Glints (Singapore), một trong những nền tảng việc làm lớn nhất Đông Nam Á, nơi có 40.000 doanh nghiệp tuyển dụng trung bình khoảng 30.000 nhân sự mỗi tháng, gần đây đưa ra một báo cáo nhận định cơn khát tài năng công nghệ vẫn tồn tại trong khu vực, ngay cả ở Singapore, nơi diễn ra hầu hết các vụ sa thải và ngừng tuyển dụng trong thời gian vừa qua, vì đây là trụ sở khu vực của nhiều doanh nghiệp quốc tế và là một trung tâm khởi nghiệp.

Giám đốc điều hành Glints Oswald Yeo đánh giá: “Nhìn chung, đó là một sự điều chỉnh. Tôi nghĩ những gì chúng ta đã thấy là đã có rất nhiều vốn được bơm vào ngành công nghệ trong 2-3 năm qua. Cùng với đó, chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều công ty cũng đã mở rộng nhanh chóng”.

“Các công ty Singapore dường như phản ứng nhanh nhất với những thay đổi của môi trường kinh tế vĩ mô. Điều này không nhất thiết là xấu vì đối với một số thay đổi này, bạn muốn hành động nhanh chóng để thích ứng”, Yeo nói thêm.

Các nhóm nhân sự bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm các bộ phận vận hành, tài chính và nhân sự, cùng với một số nhóm bán hàng và tiếp thị.

Tuy vậy, báo cáo của Glints ghi nhận rất nhiều việc làm công nghệ từ xa được tuyển dụng, với nhiều công ty chuyển hướng sang tìm kiếm tài năng công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và Indonesia, nơi ít có xảy ra các vụ sa thải hàng loạt hơn. Xu hướng này được thúc đẩy một phần là vì các công ty muốn xây dựng một lực lượng lao động phi tập trung sau khi trải qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Oswald Yeo giải thích tuyển dụng việc làm từ xa giúp các công ty tiết kiệm chi phí, hơn nữa, quan điểm của họ đối với các công việc làm từ xa đã trở nên cởi mở hơn sau đại dịch Covid-19. Ông nói: “Từ cả góc độ vốn con người và góc độ vốn tài chính, rất nhiều công ty hiện đang thực sự tuyển dụng việc làm từ xa nhiều hơn. Ví dụ trên Glints, chúng tôi thấy các cơ hội việc làm từ xa đã tăng gấp 10 lần trong vòng chỉ một năm qua”.

Nhân công nghệ Việt Nam được săn lùng nhiều nhất trong khu vực vì có chi phí phải chăng. Các vị trí khoa học dữ liệu cấp thấp ở Việt Nam chỉ đòi hỏi mức lương cơ bản từ 1.000-2.000 đô la Mỹ/tháng và các lập trình viên và kỹ sư phần mềm có mức lương dao động 600-3.500 đô la/tháng tùy vào thâm niên của họ. Trong khi đó, lương tháng của một lập trình viên đa năng ở Singapore có thể lên đến 13.500-15.000 đô la.

Tại Malaysia, các công ty công nghệ quy mô khu vực vẫn tuyển dụng việc làm xuyên biên giới, nhưng các công ty địa phương đã quay trở lại thuê nhân sự trong nước.

Glints dự báo trong thời gian tới, mức lương của các vị trung cấp đến cao cấp trong lĩnh vực công nghệ sẽ không giảm so với hiện tại nhưng mức đãi ngộ đối với nhân tài cấp thấp hơn có thể bị ảnh hưởng.

Một xu hướng mới khác là các công ty công nghệ trong khu vực ưu tiên ký các hợp đồng lao động với nhân sự công nghệ có thời hạn cố định, thường là một năm, cho phép họ xoay trở linh hoạt hơn nếu triển vọng tài chính bất ổn. Oswald Yeo nói: “Các nhà tuyển dụng đang thận trọng hơn trong việc cam kết ký hợp đồng lâu dài với người lao động”.

TechCrunch, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trong-lan-song-sa-thai-dong-nam-a-van-khat-tai-nang-cong-nghe/