Trong kinh tế tuần hoàn, rác cũng là tài nguyên

Trong kinh tế tuần hoàn, rác thải cũng là một nguồn tài nguyên mang lại giá trị cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Hiện nay mọi nền kinh tế đều đang phải đối mặt với vấn đề các nguồn tài nguyên đang trở nên cạn kiệt và rác thải sau quá trình tiêu dùng ngày một nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề đó, kinh tế tuần hoàn trở thành một giải pháp. Mô hình kinh tế này tập trung vào việc giảm các chất thải, nguyên liệu sử dụng một lần, thay bằng các vật liệu có thể tái chế và quản lý chất thải.

Tại hội thảo "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam - từ kinh nghiệm của Thụy Điển" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hà Nội và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức vừa qua, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm của nước này.

Thụy Điển đang là một trong những nước hàng đầu thế giới về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn qua việc quản lý rác; 99% lượng rác thải đã được tái chế, chỉ 1% được chuyển đến các bãi rác.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.

Số lượng rác trên được dùng để tái chế thành khí sinh học và các loại năng lượng. Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Mawe: “Trong nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta coi mọi thứ đều là tài nguyên. Rác cũng là tài nguyên”.

Riêng với Việt Nam, lượng rác thải được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng gần 15 năm tới. Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hượng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí, tỷ lệ rác tái chế hiện nay chỉ đạt khoảng 10% tổng lượng chất thải. Số rác còn lại được chôn trực tiếp hoặc xả thẳng ra biển.

Vậy các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nào tham gia chuỗi giá trị của nền kinh tế tuần hoàn không?

Theo ông Laurent Levan - Tổng giám đốc URC Việt Nam: “Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ doành cho các công ty đa quốc gia hay các doanh nghiệp lớn mà mở rộng cho mọi đối tượng. Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư để tận dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo, gia tăng vòng đời của mỗi nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng”.

Ông cũng cho rằng các sáng kiến của kinh tế tuần hoàn có thể đến từ một startup với ý tưởng đột phá hay một công ty nhỏ nhưng cung cấp giải pháp cần thiết.

Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Kinh tế tuần hoàn là khái niệm còn mới nhưng đây sẽ là một xu thế trong tương lai. Để trở thành doanh nghiệp trong nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc sử dụng nguyên vật liệu. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp nên xem xét, lựa chọn nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, tức là những vật liệu có ít tác động đến môi trường”.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần tìm ra các giải pháp sáng tạo để thực sự tái chế các sản phẩm được đưa ra môi trường. Ngoài ra cũng cần có sự hợp tác, vì các cá thể đơn lẻ không thể giải quyết các vấn đề thách chức chung.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/trong-kinh-te-tuan-hoan-rac-cung-la-tai-nguyen-3528274.html