Trong khi bệnh viện xin dừng tự chủ thì chi phí thuốc men, hóa chất lại không được dùng để tính giá khám, chữa bệnh

Sáng 26/8, tại TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Vấn đề về giá khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 101 của Dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nay giá khám chữa bệnh đang rất rối tại các cơ sở y tế. Rối trong sử dụng, rối cả trong điều hành. Vì vậy, việc sửa đổi Luật làn này, cần phải chỉnh sửa thật chi tiết trên tinh thần tính đúng, tính đủ.

Phó GĐ Sở Y tế Cần Thơ cho biết nhiều cơ sở y tế tại Cần Thơ đang nợ thuế. Theo Luật Giá thì giá được quy định bao gồm cả nghĩa vụ tài chính, nhưng giá dịch vụ y tế hiện nay theo khung giá Bộ Y tế ban hành chưa được cơ cấu phần này. Trong khi đó, cục thuế Cần Thơ yêu cầu các bệnh viện công lập phải đóng thuế đối với khoản thu từ dịch vụ khám chữa bệnh.

Bác sĩ NGUYỄN NGỌC VIỆT NGA, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ: “Các bệnh viện công lập không có khoản tiền để chi trả nên vẫn nợ. Tiền thuế này tính nợ từ 2017 đến giờ. Tôi rất mong khi cơ cấu giá, tất cả các nghĩa vụ tài chính nào mà dịch vụ y tế phải nộp thuế thì đề nghị là được cơ cấu vào giá dịch vụ y tế hết.”

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí góp ý phải mời chuyên gia tài chính để đưa ra ý kiến đầy đủ hơn. Đặc biệt, ông cho rằng khoản 2, điều 101 nêu: “chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, dịch truyền chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh” là chưa hợp lý.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, ĐBQH khóa XV, đoàn ĐBQH TP Hà Nội: “Tại sao mình không đưa vào? Cái này là quan trọng bậc nhất. Quý vị có thừa nhận thuốc, hóa chất, dịch truyền là quan trọng nhất? Đó là vũ khí mà, tại sao không đưa vào đây? Tự nhiên mình loại nó ra. Rồi sau đó mình cứ suốt ngày kêu.”

Bà Phạm Khánh Phong Lan, ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng sau hơn 10 năm, Luật Khám chữa bệnh mới được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi. Vì vậy, phải sửa đổi thật sự, phải căn cứ vào thực tế.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, ĐBQH khóa XV, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: “Chúng ta không đủ tiền đầu tư, để bệnh viện tự chủ. Mà tự chủ không đúng nghĩa của nó. Hai chuyện quan trọng nhất là nhân lực và tài chính thì không tự chủ được gì hết. Tôi nói thẳng 1 câu như thế. Cho nên bây giờ khi sửa luật phải xác định yêu cầu thực tế và phải khẳng định có dám sửa không, chứ nếu sửa vẫn như cũ, như thế này thì với kinh nghiệm và trao đổi với anh em trong ngành, chúng tôi không trông mong gì lắm.”

Đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng ý cần đảm bảo được phương pháp và nguyên tắc tính giá đúng với tính chất chuyên môn.

Bà ĐÀO HỒNG LAN, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: “Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến là xem lại việc quy định các khoản 1 2 3 4 như vậy đã phù hợp chưa. Trong đó, chúng tôi cũng hiểu là chi phí trực tiếp tính giá nó phải liên quan đến người bệnh, thuốc, hóa chất… Cái nào không phù hợp chúng tôi tiếp thu và điều chỉnh. Có thể gộp khoản 2 lên khoản 1 và đưa ra những nguyên tắc tính giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh là như thế nào.”

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, UVBCT, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, cơ chế tài chính là vấn đề rất quan trọng đối với hoạt động khám, chữa bệnh. Cần làm thế nào để việc khám, chữa bệnh trong thời gian tới có được cơ chế đảm bảo cho quá trình thực hiện được tốt hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… thẳng thắn góp ý để Luật khi ban hành phù hợp thực tiễn, có sự thống nhất, tương thích giữa các chương, điều và tương thích với các Luật hiện hành khác.

Thực hiện : Phương Thảo Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/trong-khi-benh-vien-xin-dung-tu-chu-thi-chi-phi-thuoc-men-hoa-chat-lai-khong-duoc-dung-de-tinh-gia-kham-chua-benh