Trồng keo trên đất nông nghiệp: Nhiều hệ lụy

Những năm gần đây, tình trạng người dân tự ý trồng keo trên đất nông nghiệp ngày càng nhiều. Điều này không chỉ sai quy định mà còn để lại nhiều hệ lụy như làm thoái hóa đất, gây suy giảm mạch nước ngầm.

Mạnh ai nấy trồng

Đi dọc các tuyến đường về các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay sẽ không khó bắt gặp hình ảnh giữa cánh đồng lúa lại có những đám keo xanh tốt mọc xen kẽ. Còn trên diện tích đất vườn, đất trồng hoa màu, tình trạng người dân tự trồng cây lâm nghiệp ngày một phổ biến.

Bà Lê Thị Hiên, ở xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), cho hay: Tôi thường đi làm ăn xa, không có nhà thường xuyên nên không thể trồng các loại cây hoa màu, nhưng giao đất cho người khác canh tác, tôi lại không yên tâm. Vì vậy, tôi chọn cây keo để trồng vì loại cây này không cần phải chăm sóc, tưới nước mà sau 5 năm vẫn có thu hoạch.

Những đám keo được trồng trên đất nông nghiệp, xen lẫn ruộng lúa tại xã Bình Long (Bình Sơn).

Còn tại xã Bình Mỹ (Bình Sơn), nhiều diện tích trước đây được người dân trồng mía, mì nay cũng đã chuyển sang trồng cây keo lai. Bởi theo người dân, những vùng đất này thường xuyên thiếu nước vào mùa nắng, nên rất khó canh tác. Vì thế, người dân chọn trồng cây keo, còn thời gian rảnh họ sẽ đi làm thuê, để kiếm thêm thu nhập. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân chọn cây keo để trồng trên đất nông nghiệp.

“Khi cây keo còn nhỏ, chưa gây ảnh hưởng đến các thửa ruộng lúa nằm bên cạnh, nhưng khi cây keo phát triển, việc canh tác lúa ngày một không hiệu quả. Năng suất của những đám lúa cạnh bên bị giảm là do tán lá keo che khuất, làm mất khả năng quang hợp của cây lúa”, nông dân Huỳnh Hữu Tài, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) bày tỏ.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên, keo lai là loại cây có tốc độ lớn, sinh khối nhanh, chu kỳ khai thác thường 5 năm. Với đặc tính này, khả năng hút chất dinh dưỡng để nuôi cây rất cao. Do vậy, việc trồng đại trà cây keo lai, keo lá tràm ở một vùng đất nào đó không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nước hoặc dòng chảy mà còn gây thoái hóa đất. Việc trồng cây keo tràn lan hiện nay còn đe dọa đến mạch nước ngầm.

Phá vỡ quy hoạch

Việc nhiều người dân tự ý trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp diễn ra tràn lan là hành vi sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Nghiêm trọng hơn, việc làm này phá vỡ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương.

Tuy nhiên, qua làm việc với nhiều địa phương, lãnh đạo xã đều than gặp khó trong khâu thống kê số hộ vi phạm, cũng như công tác ngăn chặn, xử lý. Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ (Bình Sơn) Phan Thanh Tuấn cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền cho người dân không nên trồng keo trên đất hoa màu, tránh làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Song, một phần do người dân không biết trồng cây gì cho hiệu quả, một phần vì cây keo không tốn công chăm sóc, nên họ vẫn trồng keo. Xã không thể cưỡng chế, nhổ bỏ số keo người dân đã trồng”.

Xử lý tình trạng trên gặp vướng mắc ở chỗ các quy định, chế tài còn chung chung. Đặc biệt, đối với các diện tích đất nông nghiệp đã giao quyền cho người dân, việc họ tự ý trồng cây keo lại càng khó xử lý. Bởi theo Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ không quy định cụ thể việc xử phạt trường hợp trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, hoạt động canh tác, sản xuất của người dân trên đất đã được Nhà nước giao quyền. Những khó khăn, vướng mắc khiến việc xử lý tình trạng trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp chưa kịp thời, dứt điểm; gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung, đất nông nghiệp nói riêng.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202106/trong-keo-tren-dat-nong-nghiep-nhieu-he-luy-3060171/