Trồng hoa vùng đồng bằng sông Hồng cho thu nhập 500 triệu đồng/ha

Nhu cầu hoa tươi, hoa cao cấp phục vụ người dân các tỉnh đồng bằng sông Hồng tăng nhanh, tạo điều kiện cho nông dân khu vực này gia tăng thu nhập cao từ việc nghề trồng hoa.

Loại cây trồng cho thu nhập cao

Ông Nguyễn Văn Thấn, thành viên Câu Lạc bộ hoa hồng thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, An Dương (Hải Phòng) chia sẻ: “Làng nghề hoa cây cảnh Kiều Trung được thành lập từ năm 2008 đến nay, trước đây kinh tế của nhân dân địa phương khó khăn, nhưng từ khi chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chăn nuôi sang trồng hoa cây cảnh, kinh tế địa phương phát triển rõ nét. Chúng tôi trồng nhiều loại hoa như hải đường, quất, đào và nhiều loại hoa trên thị trường. Trong đó, vườn hoa hồng khoảng 20 ha của gần 300 hộ, cho thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí có cơ sở đột phá, thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác”.

Mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thủy Nguyên. Ảnh: An Đăng/TTXVN.

Đáng chú ý, tại Hải Phòng hiện nay, không chỉ có hoa hồng mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng hoa, mà các mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật cao Châu Giang ở xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên; mô hình trồng đào cổ tại xã Đặng Cương (huyện An Dương)... cũng đều mang lại lợi ích kinh tế cao.

Ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Hải Phòng có diện tích nông nghiệp gần 49.000 ha, quy vùng khoảng 20.000 ha sản xuất tập trung, diện tích trồng hoa, cây cảnh theo thống kê năm 2018 khoảng gần 700 ha tại 12 xã, phường, của 5 quận, huyện.

Đồng bằng sông Hồng là 1 trong 3 vùng sản xuất hoa lớn nhất cả nước và là vùng có điều kiện tự nhiên đặc thù, phong phú với khí hậu 4 mùa, nên thích hợp cho việc trồng nhiều loại hoa. Cộng với việc sản xuất hoa không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại dễ áp dụng công nghệ mới, công nghệ cao. Vì thế, theo ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đây là lĩnh vực sản xuất hấp dẫn nông dân ở tất cả các vùng, đặc biệt là các vùng ven đô.

Theo thống kê diện tích trồng hoa toàn vùng đạt khoảng 9.000 - 10.000 ha, tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh... Nếu như trước kia, các địa phương tập trung trồng nhiều loài hoa đặc trưng của vùng và phổ biến như hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, layơn, thược dược, hoa sen... thì nay hoa lan, hồng cổ, đào cổ dần trở thành những loại hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng hoa khi đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Một hộ dân trồng hoa hồng cổ ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh, Nam Định) có thu nhập 200 triệu đồng/năm, gấp 3 - 4 lần so với trồng rau màu. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN.

Theo số liệu do Trung tâm Khuyến nông quốc gia công bố, có những cánh đồng trồng lan, trồng hồng ở Hải Phòng cho thu nhập tới 500 - 600 triệu đồng, thậm chí lên tới cả tỷ đồng mỗi ha, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa hay trồng trọt cây nông nghiệp khác. Tại nhiều địa phương đã hình thành các trang trại, các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Không dễ hình thành ngành Công nghiệp sản xuất hoa

Cũng theo ông Nguyễn Đình Chuyến, ngoài các diện tích trồng tập trung, Hải Phòng tồn tại nhiều diện tích trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, mới được chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm. Hàng năm, địa phương này cung ứng cho thị trường 60 - 80 triệu cành hoa và 500.000 - 750.000 cây cảnh các loại. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ước đạt 151.233 triệu đồng.

Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 1.700 ha trồng hoa, cây cảnh cho lợi nhuận bình quân từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 10% là được tiêu thụ tại các tỉnh thành khác, 90% là được tiêu thụ tại địa bàn tỉnh. Đó là chưa kể sự thiếu vắng những vùng trồng hoa của đồng bằng sông Hồng trên bản đồ xuất khẩu hoa ra thế giới.

Như vậy, rõ ràng, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn trong phát triển bền vững. Cả nước mới duy nhất có Đà Lạt đầu tư trọng điểm phát triển thành ngành Công nghiệp sản xuất hoa. Còn lại quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; không chủ động sản xuất được giống chất lượng cao; biến đổi khí hậu và những tác động của nó khiến việc điều tiết thời vụ, năng suất, chất lượng hoa bị ảnh hưởng, rủi ro cao. Đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh, nhất là áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, vượt khả năng đầu tư của nông dân. Chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Quy hoạch vùng hoa cây cảnh còn bất cập, cần được rà soát, điều chỉnh. Trong khi đó, việc tổ chức thị trường tiêu thụ là chưa bài bản.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, sản xuất hoa ở vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều điều cần thực hiện ngay để phát triển bền vững như: Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào nhân giống hoa, nhà kính, nhà lưới trồng hoa và hoàn thiện quy trình sản xuất từng chủng loại hoa tùy theo điều kiện từng vùng.

PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, Viện đã hoàn thiện và chuyển giao được các quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng, cúc, cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành; quy trình nhân giống hoa đồng tiền, li ly, loa kèn, lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đồng thời, xây dựng quy trình trồng thương phẩm các giống hoa trên, quy trình kỹ thuật điều tiết nở hoa và nâng cao chất lượng hoa, hiện hầu hết các địa phương đã áp dụng và đánh giá cao.

Lê Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/trong-hoa-vung-dong-bang-song-hong-cho-thu-nhap-500-trieu-dongha-20190402214854563.htm