Trong gian khó, càng sáng tạo, trưởng thành

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Hội quốc phòng toàn dân (22-12), cán bộ, học viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2) lại trở về nơi nhà trường ra đời ngày 27-8-1961, giữa chiến trường miền Nam khốc liệt.

Đó là địa danh ấp Lò Gò, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Nơi đây còn ghi dấu những chiến công từ tinh thần dũng cảm, sáng tạo, vượt khó và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, giáo viên nhà trường ngày ấy. Cũng tại nơi đây, bia tưởng niệm được dựng lên, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của nhà trường.

Học viên nhà trường cùng thanh niên địa phương thắp hương tri ân và làm đẹp khu vực bia tưởng niệm nơi thành lập nhà trường.

Mới đây, trong chuyến về nguồn đầy ý nghĩa, học viên được nghe kể về những gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh, của những nhà giáo chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một trong những mất mát lớn lao lúc bấy giờ là 4 cán bộ trong ban giám hiệu nhà trường đã hy sinh sau loạt bom B-52 đánh phá của máy bay Mỹ. Nhớ lại thời khắc đó, ông Nguyễn Văn Hơn (Sáu Hơn), nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cựu học viên của nhà trường năm học 1965-1966, kể:

- Sau khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, cuối năm 1965, chiến trường Nam Bộ vô cùng căng thẳng. Trong điều kiện ấy, nhà trường chuẩn bị khai giảng khóa 7 với nhiều nội dung huấn luyện được thay đổi cho phù hợp với thực tế chiến trường. Mọi việc đang tiến hành khẩn trương thì ngày 6-1-1966, một tốp máy bay địch ném bom vào khu vực đóng quân của nhà trường. Ngay loạt bom đầu tiên, 4 đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường đã hy sinh. Nhận được tin này, các đơn vị học viên chúng tôi cùng đội ngũ giáo viên của nhà trường quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, nhanh chóng khắc phục hậu quả bom đạn tàn phá, rồi chuyển đến địa điểm mới cách trường 20km, tiếp tục dạy, học và bảo vệ căn cứ.

Bất chấp hiểm nguy rình rập, giáo viên các ban, khoa vẫn ngày ngày giảng dạy, biên soạn giáo án sát với thực tế đối tượng tác chiến ở địa hình miền Đông Nam Bộ và vùng sông nước. Khi có giặc càn quét, thầy và trò chia thành các đơn vị chiến đấu, ngăn chặn, tiêu diệt địch bảo vệ trường, bảo vệ nhân dân. Trong gian khổ, đói khát, sốt rét hoành hành, nhưng không ai nao núng tinh thần. Những thầy giáo-chiến sĩ, tay súng, tay bút vẫn sáng tạo, miệt mài truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho lớp lớp thế hệ học viên. Chia sẻ về tấm gương của những người thầy ở Trường SQLQ2 ngày ấy, Trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từng là học viên của trường cho biết:

- Khi nhập học, chúng tôi được nghe các khóa trước kể lại, cứ sau mỗi lần đánh thắng địch càn quét, hoặc nghe phổ biến về kinh nghiệm đánh địch của các đơn vị trên chiến trường Đông Nam Bộ là các thầy giáo của nhà trường lại nghiên cứu, biên soạn, đổi mới nội dung tài liệu, giáo án để kịp thời giảng dạy cho học viên bảo đảm sát thực, hiệu quả. Có những tài liệu huấn luyện tiến công địch trong công sự vững chắc, lúc đầu áp dụng đội hình “Tứ tổ, nhất đội, đầu nhọn, đuôi dài”, nhưng sau một số trận đánh không phù hợp với đối tượng tác chiến mới, giáo viên nhanh chóng biên soạn lại, tổ chức đội hình “Ba tổ, một đội, đầu nhọn, đuôi ngắn, lực mạnh”; hay, qua mấy trận tập kích bất ngờ, thời gian ngắn đạt hiệu suất chiến đấu cao, nhà trường đã biên soạn tài liệu “Tập kích gấp”… Các tài liệu này được trang bị ngay cho học viên, áp dụng vào thực tiễn chiến trường, giành nhiều thắng lợi. Đó là thành quả của sự sáng tạo, là tâm huyết của các thầy giáo nhà trường, khơi dậy ngọn lửa học tập, chiến đấu cho học viên chúng tôi.

Nhờ sự tận tâm “truyền lửa” của những người thầy, mà nhiều học viên các khóa đã trưởng thành, giữ những trọng trách trong quân đội và cả ở các địa phương. Dù rời quân ngũ, nhưng những kỷ niệm và kiến thức thực tiễn được trang bị từ Trường Quân chính trung-sơ cấp Miền, hay Trường Lục quân Tổng hợp… (nay là Trường SQLQ2) vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các thế hệ học viên ngày ấy, là hành trang quý, góp phần khẳng định bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới. Điển hình như trường hợp của ông Sáu Hơn. Trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang vào thời điểm những năm đầu thời kỳ Đổi mới, ông đã thực hiện cuộc “địa chấn” nông nghiệp với tư tưởng “xé rào” khi tổ chức khoán đến hộ gia đình nông dân, được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm. Trong một lần giao lưu với thế hệ trẻ, ông Sáu Hơn tâm sự:

- Năm 1986, khi tôi làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang, đời sống của nhân dân thiếu thốn trăm bề, nghèo đói khắp nơi. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nhớ tới giai đoạn khó khăn nhất của Trường Quân chính trung-sơ cấp Miền giữa lòng chiến trường miền Nam, nhớ tới ý chí, nghị lực, tinh thần sáng tạo, vượt khó của người lính, được trau rèn trong nhà trường quân đội. Tự nhiên, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm thực hiện chủ trương “đưa đất” về hộ gia đình nông dân, biến họ thành đơn vị sản xuất tự chủ. Thành công ban đầu mở ra một hướng đi mới trong toàn tỉnh, được nhiều địa phương khác học tập, làm theo…

Trung tướng Võ Viết Thanh, ông Nguyễn Văn Hơn và nhiều cựu học viên của nhà trường muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ, nhất là những thanh niên trong quân ngũ, hãy luôn phấn đấu vươn lên, không được lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ, sáng tạo, vượt khó để trưởng thành. Trong gian khó, hiểm nguy, mỗi người càng thêm vững vàng, bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ và cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG - NHỰT LINH

Học viên nhà trường cùng thanh niên địa phương thắp hương tri ân và làm đẹp khu vực bia tưởng niệm nơi thành lập nhà trường.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/trong-gian-kho-cang-sang-tao-truong-thanh-524449