Trong đám đông, ta là ai?

Khi trục hạm La Belle-Poule tiến hành tìm kiếm tàu hộ tống Le Berceau bị lạc sau một cơn bão biển, nó đã trải qua một hiện tượng vô cùng kỳ lạ được trung úy hải quân Julien Felix chép lại trong hải trình.

Một thuyền viên báo động có người gặp nạn, và từ thời điểm đó, tất cả các thành viên còn lại trên tàu đều nhất trí với nhau rằng phía trước họ là một xác tàu đầy người gặp nạn, thậm chí họ còn nghe thấy những âm thanh hoảng loạn. Khi đến nơi, tất cả những gì họ nhìn thấy là những thân cây trôi dạt từ một bờ biển nào đó.

Đấy là một ví dụ kinh điển trong cuốn Tâm lý học đám đông của Gustavo Le Bon, viết về ảo giác đám đông. Một ví dụ cho thấy cơ chế vô lý đáng sợ của nó.

Trong nhiều thập kỷ qua, đám đông là một cụm từ gây ra hoang mang ghê gớm, có những đặc điểm mà không ai muốn là một phần của nó: phản ứng hoàn toàn theo cảm xúc, tư kiến, không có lý trí, luôn luôn hành động trước khi suy nghĩ và khi có người bắt đầu tư duy, thì mọi chuyện dường như đã… an bài.

Nhưng có phải đám đông là thứ có thể bài trừ được, như chúng ta tìm cách loại bỏ cách dịch bệnh, hay nạn đói?

Trong cuốn "The Knowledge Illusion: Why we never think alone" (Ảo tưởng tri thức: Tại sao chúng ta không bao giờ suy nghĩ một mình), các nhà khoa học duy nghiệm Steve Sloman và Philip Fernbach đã đóng thêm một chiếc đinh nữa lên chiếc quan tài của thuyết lý trí cá nhân.

Từ thế kỷ thứ XVII cho đến XX, tư tưởng phương Tây đã tập trung mô tả mỗi con người là một cá nhân duy lý độc lập, và đấy là nền tảng tạo nên xã hội hiện đại.

Các thiết chế vận hành thế giới hiện tại được tạo ra dựa trên ý tưởng này: dân chủ được thiết lập dựa vào niềm tin rằng mọi cử tri đều hiểu rõ lựa chọn của họ, thị trường tự do tin rằng khách hàng luôn luôn đúng, và giáo dục hiện đại cố gắng dạy sinh viên tư duy độc lập.

Nhưng chỉ trong vài thập kỷ qua, ý tưởng về cá nhân duy lý đã bị tấn công từ tứ phía. Các nhà kinh tế học hành vi và tâm lý học đã chứng minh rằng hầu hết các quyết định của con người đều dựa trên cảm xúc và phỏng đoán dựa trên kinh nghiệm hơn là những phân tích lý trí.

Nếu như kinh nghiệm và bản năng là đủ để chúng ta đối phó với thú dữ và thiên nhiên trong thời kỳ đồ đá, thì chừng đó là không đủ để ta chống lại những nguy cơ của xã hội hiện đại.

Đám đông là tất yếu

Sloman và Fernbach còn đào sâu hơn nữa, khi cho rằng tư duy độc lập đơn giản là một ảo tưởng. Con người hiếm khi có suy nghĩ tự thân. Thay vào đó, chúng ta tư duy theo nhóm. Giống như việc một bộ lạc nguyên thủy cùng nhau nuôi dạy một đứa trẻ, chúng ta cũng cần một bộ lạc để phát minh ra một công cụ, giải quyết xung đột hay chữa một căn bệnh.

Trong Lược sử loài người, tác giả người Israel Yuval Noah Harari đã chỉ ra rằng điều khiến Homo Sapiens (Người tinh khôn) có thể vươn lên thống trị muôn loài không hẳn là tư duy cá nhân của chúng ta, mà là khả năng hợp tác trên diện rộng, khi phối hợp được các suy nghĩ cá nhân vào trong một tổng thể để cùng thực thi một sứ mệnh. Nếu đứng riêng lẻ, chúng ta có thể đã không là gì cả, bởi hiểu biết cá nhân hạn hẹp của mình.

Rebecca Lawson, một chuyên gia tâm lý từ Đại học Liverpool đã tiến hành một khảo sát đơn giản: cô giao cho một nhóm người nhiệm vụ vẽ điền thêm bộ phận bị thiếu trong bức tranh một chiếc xe đạp. Nhiệm vụ tưởng chừng rất đơn giản đã đánh bại một nửa số người tham gia khảo sát.

Bạn có bao giờ để ý xem cái bồn cầu nhà mình vận hành như thế nào không? Nếu không, xin… chúc mừng, vì bạn không hề cô đơn.

Trong một nghiên cứu tại đại học Yale, các sinh viên được yêu cầu viết mô tả chi tiết cách thức hoạt động của bồn cầu (khi ta ấn cái nút trên bể gốm chứa nước của toilet, một cái lẫy hoạt động sẽ khiến nắp đậy trong bể mở ra và nước thoát từ đó xuống đường ống), và đa số những tinh hoa tương lai của trường đại học lâu đời bậc nhất Hoa Kỳ cũng không biết rằng bồn cầu phục vụ họ hàng ngày như thế nào.

Con người tiền sử sở hữu những tri thức và kỹ năng thực tế nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại: họ phải tự tạo ra lửa, dựng nhà, săn bắn, hái lượm, làm công cụ. Con người hiện đại đơn giản tồn tại dựa trên năng lực tư duy của người khác, theo phân công lao động. Ai đó sẽ làm nhà cho bạn.

Một người khác thiết kế xây toilet. Và đường điện có thể trở nên rất nguy hiểm với đa số chúng ta. Đa số sẽ không thể tồn tại nếu bị tách khỏi đám đông.

Vai trò của người-phản-tư

Soren Kierkegaard, triết gia người Đan Mạch, đã từng nhấn mạnh: "Sự thật luôn là thiểu số vì nhóm thiểu số được hình thành bởi tập hợp những người có chủ kiến, trong khi sức mạnh của số đông là ảo tưởng, vì nó được tạo ra từ những kẻ vô minh".

Bởi vì đám đông luôn hình thành bằng cảm xúc, nên bao giờ những người có thể phân tích lý trí cũng là thiểu số. Đó là một thực tế mang tính chọn lọc rất cơ bản của tự nhiên.

Kẻ khôn luôn ít hơn người ngu. Thành tựu luôn ít hơn thất bại. Và quy luật này cũng có nghĩa là ta sẽ không bao giờ có thể tránh được những đám đông. Chỉ có thể thẳng thắn thừa nhận, đối mặt, và chế ngự sự điên cuồng của nó.

Dù là đa số, nhưng đám đông luôn phải cần người khởi xướng. Một kẻ đứng lên và chỉ điểm cho đám đông mục tiêu. Có thể là bất cứ ai, từ một kẻ ngẫu nhiên hô lên có bom khiến đám đông giẫm đạp lên nhau tại một sân bay chật ních, hay một cá nhân có ma lực dẫn dắt thực sự. Ở tầm vóc cực đại, với đám đông mang tính chất quốc gia, chúng ta nhìn thấy những người khởi xướng có tư tưởng ở tầm dẫn dắt một chúng tộc.

Một tư tưởng sai lệch sẽ tạo ra thảm họa, vì đám đông trong cơn say đòn sẽ làm tất cả để thực thi những ý niệm đã bị cài vào đầu. Hitler với thuyết Chủng tộc thượng đẳng (một sự cực đoan hóa tận cùng thuyết ưu sinh) đã tạo ra một thảm họa ở quy mô nhân loại, sau khi đã cài vào đầu đám đông "tín đồ" rằng họ có sứ mệnh phải rửa sạch chủng tộc và tiêu diệt những giống nòi bị cho là "thoái hóa, không đủ tốt".

Nhưng cũng có những tư tưởng có thể dẫn dắt đám đông thoát ra khỏi u mê tăm tối. Chế độ phong kiến và tư tưởng thần quyền vẫn còn tồn tại cho đến khi có một người tư duy ra rằng tại sao con người, với cơ chế sinh học bình đẳng, lại có thể chấp nhận sự bất công lớn nhường ấy.

Cách mạng tình dục, giải phóng một ham muốn cơ bản của con người, xuất hiện khi chúng ta nghĩ thật sâu vào bản chất đã tạo ra và duy trì liên tục giống nòi này.

Bãi nô trở thành phong trào sau khi Tướng James Oglethorpe, một nhà thám hiểm và cũng là thành viên Nghị viện Anh, lần đầu phát biểu chống lại chế độ nô lệ, với tư cách là một trong những người đầu tiên trong thời kỳ Khai sáng nghi ngờ tính đạo đức của nó.

Luôn cần có một ai đó dám nghĩ đến những điều mà chưa bao giờ đám đông "kịp" tư duy tới, vì những luân thường trói buộc và bối cảnh quy định họ. 100 người nô lệ nếu không có một người dẫn dắt sẽ không bao giờ hiểu được rằng vì sao họ cần phải đứng lên, vì không thể nghĩ ra được một ngày mà họ có thể vứt bỏ bổn phận mà luân lý vào lúc đó đã xiềng xích mình.

Những cá nhân dẫn dắt đám đông tới ánh sáng ấy là người-phản-tư, những người có khả năng tư duy vượt ra ngoài cái đang quy định đám đông, như là luân lý đương thời, hay một hệ tư tưởng chi phối xã hội tạm thời.

Hãy thử tưởng tượng nếu đám đông ấy say máu với thứ công lý trả thù, thì người phản tư sẽ chọn lọc và thậm chí gạt bỏ hệ thống luân lý đang chi phối đám đông ấy, để nhìn thấy điều gì đó cao cả, tiến bộ hơn.

Phải vượt trên chính mình

Khi Anders Breivik nhận bản án 21 năm tù cho việc giết… 77 người tại Na Uy mà không hề có dấu hiệu ăn năn (hắn tuyên bố sẽ vẫn làm thế tiếp nếu có cơ hội), đa số nhân loại cảm thấy thật sửng sốt. Họ muốn hắn phải chết, như là một thứ công lý hiển nhiên. Một số thậm chí muốn hắn chết trong đau đớn.

Ý niệm tạo ra mong muốn ấy gọi là công lý trừng phạt (retributive justice), hệ thống đang chi phối hầu hết các xã hội trên hành tinh này. Công lý trong hệ thống này được thực thi khi một tội phạm phải trả giá đích đáng cho điều hắn gây ra cho xã hội, và hình phạt cho hắn cũng là để răn đe những tội phạm tiềm năng khác trong tương lai.

Hệ thống tư pháp của Na Uy, ngược lại, được tạo ra dựa trên công lý phục hồi (restorative justice). Howard Zehr, một học giả của lý thuyết này, đã đưa ra định nghĩa trong một bài báo năm 1997: "Công lý phục hồi bắt đầu với một mối quan tâm đến các nạn nhân và phương thức đáp ứng các nhu cầu của họ, để chữa lành những tổn thương càng nhiều càng tốt, kể cả về vật chất lẫn tinh thần".

Trong phiên tòa xử Breivik, công lý phục hồi có nghĩa là cho mọi nạn nhân (những người sống sót và gia quyến của những ai đã thiệt mạng) được lên tiếng trực tiếp, một cách thật kiên nhẫn.

Đại diện cho họ là 174 luật sư do tòa chỉ định. Phiên tòa đã nghe đủ 77 báo cáo khám nghiệm tử thi, 77 bản mô tả cách thức Breivik giết họ và một bản tiểu sử dài 77 phút "nói lên những mong muốn chưa hoàn thành của anh/ông ấy hoặc cô/bà ấy".

Trong hệ thống công lý trừng phạt, phiên tòa chủ yếu là xét xử chống lại tội phạm. Na Uy cũng làm thế, nhưng bao gồm luôn trong đó cả những công cụ phục hồi cho những nạn nhân, những người không chỉ đưa ra lời khai và bằng chứng, mà còn có một diễn đàn để lên tiếng, đối mặt với kẻ đã làm hại họ và tự chữa lành. Bản thân phiên tòa không chỉ là một cuộc kết án, mà còn có tính chất giảm nhẹ đau khổ.

Về phần tội phạm, công lý phục hồi ngoài việc cách ly những kẻ nguy hiểm với cộng đồng, còn "khuyến khích những kẻ phạm tội hiểu được hậu quả của hành động đã gây ra hoặc có sự đồng cảm với nạn nhân của chúng", Zehr giải thích. Đấy là thứ công lý tốn kém: Mỗi năm, trung bình đất nước này phải bỏ ra 93 nghìn USD cho một tù nhân.

Na Uy, được thừa nhận là một trong những quốc gia tiến bộ nhất trên hành tinh hiện tại, không chỉ nghĩ đến những điều vượt quá luân lý đang "thịnh hành", mà còn thực hiện được. Một minh chứng sống động cho thấy tác động của sự phản tư hiệu quả đã tạo ra một đám đông giàu nhân bản.

Hãy thử một lần suy nghĩ về những điều vượt-trên-cả-chúng-ta hiện tại. Nếu bạn muốn hòa lẫn vào đám đông muốn dùng tư hình với kẻ phạm tội, thì dù không thể kìm nén được khát khao trừng phạt, hãy thử một lần nghĩ về cách thức tha thứ. Nếu bạn không thể cản mình bị cuốn theo một đám đông, hãy tự nuôi lớn bản thân bằng những điều cao quý mà một đám đông không thể vươn đến.

Vì đám đông thường hình thành từ những cái tôi bản năng. Để vượt khỏi những bản năng, chúng ta đều phải vượt qua chính mình. n

Trong một đám đông, chúng ta dễ bị chi phối bởi cảm xúc tức thời, trước khi lý trí lên tiếng

Ban Cầm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/trong-dam-dong-ta-la-ai-543865/