Trong cuộc chiến, nhiệm vụ của họa sĩ là vẽ

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là đang thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Điều đó có được nhờ những nỗ lực của toàn dân, trong đó có các họa sĩ, tờ The Guardian của Anh nhận định.

Giữa đại dịch, một bức tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp đã gây được sự chú ý. Trong tranh, hai nhân viên y tế đeo khẩu trang, đứng hiên ngang cùng nắm một lá cờ, bên cạnh là khẩu hiệu được in nổi bật “Ở nhà là yêu nước”. Phía dưới là lời nhắn “Ai ho báo y tế. Ai tung tin giả báo công an. Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”.

Bức tranh nói trên là một trong nhiều “vũ khí” nghệ thuật ra đời trong cuộc chiến chống Covid-19, cùng với bài hát rửa tay “Ghen Cô Vy” đến bộ tem “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19”. Tất cả đều tái hiện tinh thần thời chiến.

 Bài viết của The Guardian về những đóng góp của họa sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)

Bài viết của The Guardian về những đóng góp của họa sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)

Họa sĩ Lê Đức Hiệp chia sẻ: “Sau khi Chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để phòng, chống Covid-19, tôi lướt qua một vài trang mạng xã hội và thấy nhiều người vẫn tụ tập tại các quán cà phê và quán ăn. Tôi cảm thấy thực sự lo ngại. Tôi muốn làm gì đó để nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người làm điều đúng đắn. Tôi chọn tranh cổ động vì nó gần gũi với người Việt Nam và khơi dậy lòng yêu nước”.

Lê Đức Hiệp không phải họa sĩ duy nhất vẽ tranh trong mùa dịch này. Phạm Trung Hà, họa sĩ được đánh giá thuộc “thế hệ vàng” của Việt Nam, đã hợp tác với Bộ Y tế và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thực hiện hai mẫu tem truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19. Một mẫu tem có hình các nhân viên y tế bận rộn xét nghiệm, phía sau họ là một bàn tay nắm chặt giương lên, biểu thị sự quyết tâm đương đầu thách thức.

Bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" được giới thiệu trên trang Twitter của Bộ Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Một người khác - họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, dù đang điều trị ung thư - vẫn đóng góp hai bức tranh cổ động theo lời kêu gọi của Chính phủ. Hiện cả hai bức tranh này đang xuất hiện trên các tuyến phố.

Họa sĩ Lưu Yên Thế cho biết: “Vẽ tranh cổ động là niềm yêu thích của tôi từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước khi Việt Nam tập trung tái thiết đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi đó, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều tranh cổ động cỡ lớn ở khắp mọi nơi trên đất nước tôi”.

“Dù bị bệnh và thời hạn gửi tác phẩm đã rất sát, tôi vẫn quyết định tham gia sáng tác tranh cổ động để chung tay trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Các họa sĩ như chúng tôi nếu không thể ở tuyến đầu chống dịch, thì vẫn có thể góp sức theo cách riêng qua việc truyền sức mạnh qua tranh cổ động”, Họa sĩ Lưu Yên Thế cho biết thêm.

Một ví dụ khác. Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang - hai người sáng lập studio tranh minh họa Kaa Illustration - đã vẽ các nhân viên y tế và cán bộ, chiến sĩ trong những bức tranh màu nước, như một lời cảm ơn gửi đến những “chiến binh” nơi tuyến đầu chống dịch. Với các họa sĩ lúc này, nghệ thuật là con đường duy nhất để họ kết nối với cộng đồng.

Họa sĩ Huỳnh Kim Liên chia sẻ: “Chính phủ nói rằng, Việt Nam đang trong cuộc chiến với virus. Vì vậy, là họa sĩ, chúng tôi cần làm công việc của mình trong cuộc chiến này, đó là vẽ”.

NGỌC CHUNG (theo Theguardian)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/trong-cuoc-chien-nhiem-vu-cua-hoa-si-la-ve-614776