Trồng cỏ Nhật ở bãi bồi ven sông Hồng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Tận dụng diện tích bãi bồi ven sông Hồng, những năm gần đây người dân xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã đưa giống cỏ Nhật về trồng.

Loại bỏ những loại cỏ tạp.

Loại bỏ những loại cỏ tạp.

Loại cỏ này thích nghi nhanh với khí hậu thổ nhưỡng và đất phù sa ven sông nên phát triển tốt. Với giá bình quân 15.000 đồng/m2, trung bình mỗi ha, người dân có thể thu được từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Trồng cỏ Nhật mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho những hộ dân ở vùng đất bồi ven sông.

Trước đây, vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Hồng được người dân xã Nam Thắng tận dụng để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng nghề này rất vất vả, thu nhập lại thấp nên bà con trong xã đã chuyển sang trồng ngô, đậu tương và sau đó đưa cỏ Nhật về trồng.

Ông Phùng Văn Thịnh, xã Nam Thắng cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm tại đây đã phát triển từ hàng trăm năm trước. Thời điểm cực thịnh, hầu như nhà nào cũng làm nghề này, vùng đất bồi ven sông được tận dụng để trồng. Tuy nhiên, những năm qua, nghề trồng dâu nuôi tằm không mang lại hiệu quả. Vì vậy, năm 2011, một số hộ dân trong xã đã đưa cỏ Nhật về trồng thử nghiệm. Nhận thấy cỏ Nhật đem lại hiệu quả cao, từ năm 2015 đến nay, người dân đã chuyển hẳn sang trồng loại cỏ này.

Theo ông Thịnh, trồng cỏ Nhật không khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Người dân chỉ mất một khoản tiền mua cỏ giống, máy bơm nước phục vụ tưới và một số vật dụng gắn liền với nhà nông như: xiên, cuốc, xẻng… Người trồng cỏ chỉ cần định kỳ bón phân, tưới nước cho cây. Nếu chăm sóc tốt, một năm có thể thu hoạch được 3 vụ, đặc biệt sau khi thu hoạch cỏ sẽ tự mọc lại từ bộ rễ dưới đất, người trồng không phải mất thêm khoản đầu từ nào nữa.

Bà Bùi Thị Huê ở xã Nam Thắng chia sẻ, gia đình bắt đầu trồng từ năm 2015 với diện tích gần 1.500 m2. Loại cỏ này không cần phải chăm sóc nhiều, thi thoảng tưới nước để giữ độ ẩm và nhặt những loại cỏ tạp lẫn vào. Có thể nói, trồng cỏ Nhật là nghề bỏ một đồng vốn thu được bốn đồng lời. Nếu so với nghề truyền thống là trồng dâu nuôi tằm trước kia thì trồng cỏ Nhật cho thu nhập gấp khoảng 20 lần.

Hiện nhu cầu sử dụng cỏ Nhật cho công trình công cộng, khuôn viên khách sạn, nhà hàng cho tới các sân golf… rất cao nên đầu ra của loại cỏ này tương đối ổn định. Giá cỏ Nhật hiện dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/m2; thời điểm chính vụ như giáp Tết hoặc sau Tết Nguyên đán, giá có thể lên đến 25.000 - 30.000 đồng/m2. Thu nhập bình quân mỗi ha cỏ Nhật đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Cỏ Nhật được người dân buộc thành từng bó mang đi bán.

Bà Nguyễn Thị Hồng, một thương lái chuyên mua cỏ Nhật cho hay, cỏ sẽ được chuyển đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số khách hàng bên Lào, Campuchia cũng liên hệ đặt mua cỏ. Theo phản hồi từ khách hàng, cỏ Nhật được trồng ở ven sông Hồng có chất lượng tốt, nhánh mọc đều, xanh, đáp ứng yêu cầu trang trí cho công trình.

Trên địa bàn xã Nam Thắng hiện có khoảng 150 ha đất bãi bồi ven sông Hồng; trong đó có gần 100 ha trồng cỏ Nhật. Từ việc trồng cỏ Nhật, người dân trong xã cũng có thêm việc làm vì các hộ mua cỏ sẽ thuê người dân với giá từ 160.000 - 200.000 đồng một ngày công đánh cỏ. Nghề trồng cỏ Nhật đang giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng thông tin, nghề trồng cỏ Nhật trên địa bàn xã trong những năm gần đây phát triển mạnh. Hiện xã đã hình thành cánh đồng trồng cỏ Nhật với quy mô khoảng 100 ha. Nghề trồng cỏ Nhật cho thu nhập tương đối cao mà vốn đầu tư ban đầu ít, không cần chăm sóc nhiều nên người dân có thời gian làm thêm các công việc khác.

Thời gian tới, xã sẽ tăng cường đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi để bà con trong xã phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Công Luật (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/trong-co-nhat-o-bai-boi-ven-song-hong-thu-hang-tram-trieu-dong-moi-nam-20190619075437293.htm