Trồng chuối phấn vàng

Chuối phấn vàng là một loại cây trồng bản địa trên đồng đất huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ). Người dân nơi đây ví cây chuối phấn vàng như là một 'bảo bối' giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Những năm qua, nhờ trồng cây chuối phấn vàng mà nhiều hộ dân ở xã Tân Minh và Tân Lập của huyện Thanh Sơn đã có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm.

Chuối phấn vàng là một loại cây trồng bản địa trên đồng đất huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ). Người dân nơi đây ví cây chuối phấn vàng như là một “bảo bối” giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Những năm qua, nhờ trồng cây chuối phấn vàng mà nhiều hộ dân ở xã Tân Minh và Tân Lập của huyện Thanh Sơn đã có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm.

Là một trong những người đi đầu phát triển cây chuối phấn vàng ở xã Tân Minh, ông Hà Văn Tuấn được bà con nơi đây mệnh danh là triệu phú do thu nhập từ cây trồng này mang lại. Theo ông Tuấn, đặc điểm của giống chuối phấn vàng là dễ trồng, dễ sống, không phải đầu tư nhiều công chăm sóc; quả lại có độ ngọt sắc và thơm. Để cây chuối phấn vàng ra buồng, quả to, mã quả đẹp cần lưu ý bón thêm phân chuồng và phát quang cỏ quanh gốc. Thời gian qua, được các ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, vôi bột khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như tổ chức thực hiện nên cơ bản khống chế được sâu bệnh, bà con yên tâm sản xuất, không ngừng mở rộng diện tích trồng. Đánh giá về tính hiệu quả kinh tế từ cây trồng này mang lại, bà Hoàng Thị Bền, khu Dớn, xã Tân Minh cho biết: Năm đầu tiên do chưa nắm bắt đầy đủ kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm phòng trừ bệnh cho cây nên năng suất không cao. Từ những năm sau, năm nào chuối phấn vàng cũng được mùa. Hiện gia đình bà Bền trồng 800 gốc chuối trên diện tích gần hai héc-ta. Ước tính trung bình, một buồng chuối phấn vàng có trọng lượng từ 25 đến 30 kg, có buồng lên tới hơn 40 kg. Với giá từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi héc-ta chuối cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Tân Minh Triệu Xuân Hiếu chia sẻ, hiện trong xã đã có một vài đại lý chuyên thu gom chuối cho bà con. Chuối vừa trổ buồng đã được đánh dấu, đợi chuối già là gom cho đại lý. Bởi vậy, người trồng không phải lo khâu tiêu thụ. Thu nhập từ chuối tính ra hơn hẳn trồng lúa và trồng rừng. Hơn nữa, cây chuối phấn vàng ít bị gián đoạn về thời vụ, mùa đông cũng như mùa hè đều cho mức thu hoạch tương đương nhau nếu như được chăm sóc tốt. Không chỉ ở Tân Minh, hàng chục héc-ta chuối phấn vàng ở xã Tân Lập cũng đang phát triển mạnh. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đinh Tiến Thanh khẳng định, trong những năm gần đây, chuối phấn vàng đã được bà con ở Tân Lập mở rộng diện tích, góp phần phủ xanh đồi núi, chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Chuối phấn vàng trở thành đặc sản của vùng và sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Mới đây, chuối phấn vàng ở Tân Lập và Tân Minh đã được cấp chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn, huyện đã có hướng đi để kiện toàn bộ máy Hợp tác xã Tân Minh, đầu tư thêm vốn để quảng bá sản phẩm, cải thiện mẫu mã sản phẩm, có nhãn dán riêng cho thương hiệu đặc sản chuối phấn vàng tại địa phương nhằm đưa thương hiệu chuối Tân Minh, Tân Lập của huyện Thanh Sơn đến với người tiêu dùng khắp mọi miền, sớm có chỗ đứng trên thị trường nông sản Việt Nam.

THÀNH VINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/trong-chuoi-phan-vang-632198/