Trồng cây phong lá đỏ ở tuyến đường đẹp nhất nhì Thủ đô là không phù hợp?

Theo chuyên gia, việc trồng cây phong lá đỏ trên trục đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh là không phù hợp. Bởi phong lá đỏ quá thấp, chỉ phù hợp với khu dân cư, tuyến phố nhỏ, có nhà cao từ 4 – 5 tầng.

Liên quan đến phương án trồng thay thế toàn bộ hàng cây phong lá đỏ trên trục đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), ngày 7/4, thông tin với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị mới đang lên kế hoạch cụ thể để phối hợp với các bên liên quan tiến hành thay thế hàng cây. Khi có thông tin cụ thể sẽ chia sẻ thêm.

Về phương án trồng cây phong lá đỏ, GS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng, trồng hàng phong lá đỏ không phù hợp với trục đường đẹp nhất nhì Thủ đô.

Toàn cảnh phong lá đỏ xơ xác trên trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Toàn cảnh phong lá đỏ xơ xác trên trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Bởi ngoài chuyện cây sống được hay không, phải quan tâm đến chuyện phù hợp với cảnh quan đô thị. Hơn nữa, cây phong lá đỏ quá thấp, không bao trọn nhà cao tầng ở hai bên đường.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, phong lá đỏ chỉ phù hợp với tuyến phố nhỏ, có nhà cao tối đa từ 4 – 5 tầng.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, qua theo dõi hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố, cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém.

262 cây phong do Công ty cổ phần đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố, được trồng thử nghiệm từ năm 2018.

Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây.

Cận cảnh phong lá đỏ xơ xác, héo khô trên trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Hơn 2 năm trồng thử nghiệm tại Hà Nội, bước đầu cho thấy, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó, 45 cây đã chết, ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố.

Có 217 cây còn sống sinh trưởng, phát triển kém. Sau một thời gian, lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh (Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã nhiều lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh).

Theo Sở Xây dựng, việc thay thế sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở Xây dựng về phương án thay thế cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (phương án 1).

Giao Sở Xây dựng hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp với các cơ quan liên quan thông tin công khai, rộng rãi về công tác di dời, trồng thay thế cây bóng mát để nhân dân biết, ủng hộ trong quá trình triển khai thực hiện.

B. Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/trong-cay-phong-la-do-o-tuyen-duong-dep-nhat-nhi-thu-do-la-khong-phu-hop-20210407141438458.htm