Trồng cây măng tây

Măng tây (hay còn gọi là măng tây xanh) là loại cây trồng làm thực phẩm còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, giá trị kinh tế nó đem lại cho người trồng khá lớn. Vì thế, diện tích trồng măng tây đang được mở rộng nhanh chóng.

Măng tây cho giá trị kinh tế cao.

Măng tây cho giá trị kinh tế cao.

Tại tỉnh Bắc Ninh, mới đây Hội Nông dân tỉnh này đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh, với 32 hội viên Trong đó có 30 hộ trực tiếp sản xuất kinh doanh và 2 hội viên là đại diện của Hội Nông dân tỉnh). Chi hội thành lập nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh măng tây xanh trên địa bàn, qua đó xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

Được biết, tại Bắc Ninh, măng tây xanh được đưa vào trồng thương mại từ năm 2012 với chỉ vài hộ trồng quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Tuy nhiên, tới nay việc trồng loại cây này đã khá phổ biến, phần lớn diện tích trồng măng tây xanh đã có giấy chứng nhận VietGap, trồng theo hướng hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đạt yêu cầu cung cấp vào siêu thị.

Trung bình mỗi ngày các chủ hộ, chủ trang trại thu 50 - 60 kg măng/ha và bán ra với giá 60.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài sản phẩm măng tây xanh tươi, các hội viên trong Chi hội đã sơ chế, chế biến măng tây xanh như: bột măng tây, chè túi lọc măng tây, măng tây sấy khô.

Măng tây nổi tiếng với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể con người, được liệt kê vào danh mục cây dược liệu, có tác dụng bảo vệ tim mạch, tốt cho đường tiết niệu và đường ruột, chống lão hóa…

Nhưng để có thể thu lợi từ cây măng tây thì việc nắm vững kĩ thuật trồng là điều rất cần thiết. Sau đây, xin được giới thiệu với bà con một số kinh nghiệm được rút ra từ những địa phương, những hộ nông dân thành công trong việc trồng măng tây.

Trước hết là việc ươm cây giống, khâu này có vai trò quyết định. Do vỏ hạt măng tây rất cứng, vì thế trước khi gieo phải ngâm trong nước nóng khoảng 50 độ C trong 24 giờ. Cứ 4 giờ lại thay nước và chà hạt 1 lần. Sau đó, ủ hạt trong khăn ẩm. Sau 24h, lấy hạt ra, rửa sạch hạt và lập lại công đoạn ủ như trên. Sau 2 ngày thì hạt có thể nảy mầm.

Sau đó là tiến hành gieo hạt. Đất gieo hạt được trộn theo tỷ lệ: 2 phần đất, 1 phần phân hữu cơ, 1 phần xơ dừa hoặc tro trấu. Hạt gieo sâu 1 đến 2,5cm. Trên mặt luống phủ một lớp mùn mục rồi tưới ẩm. Bón phân và chăm sóc giống như những cây rau khác trong vườn ươm. Thời gian cây con ở vườn ươm từ 3 đến 6 tháng. Để trồng 1ha măng, cần lượng hạt từ 0.45 đến 0.5 kg, tương ứng 22.000 đến 25.000 cây giống.

Cây măng tây thích hợp với đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất nham thạch núi lửa, đất đỏ bazan… hoặc các loại đất có thể cải tạo thành đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hữu cơ, tầng canh tác dày trên 1 mét. Đất không có độ dốc quá 5 đến10%. Quanh khu đất trồng măng tây cần đào hệ thống mương rộng 1,5 đến 2 mét với độ sâu tương ứng để thoát nước vào mùa mưa. Trước khi lên luống từ 10 đến 15 ngày, cần làm đất bằng phẳng, xử lý cỏ và vi sinh vật.

Sau khi đất canh tác đã cải tạo xong thì lên luống. Cần chọn đúng hướng trồng để măng tây hấp thụ đủ ánh nắng (hướng Đông Tây là tốt nhất). Cây hấp thụ nắng 7 đến 8 giờ/ngày. Nếu trồng hàng đơn thì luống cao từ 30 đến 60cm, rộng 50 đến 60cm. Nếu trồng hàng đôi thì luống cần cao từ 30 đến 60cm, rộng 120 đến 150 cm.

Măng tây thu hoạch hàng ngày. Tốt nhất là từ 5 đến 9h sáng và cũng chỉ hái những búp măng nhô lên khỏi mặt đất từ 25 đến 30 cm, đầu măng còn búp. Không nên thu hoạch măng vào mùa mưa vì vết gãy khi bẻ rất dễ bị bệnh tấn công và đặc biệt lúc đó không tưới phân vì nước phân tưới vào vết gãy sẽ làm cây bị sót và thối dần từ vết gãy xuống bộ rễ.

Văn Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trong-cay-mang-tay-509034.html