Trồng cây gì trong trường học để an toàn

Sau 'sự cố' tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) vào sáng 26/5, thì sáng 28/5 lại thêm cây phượng vĩ đường kính gốc khoảng 1m, chiều cao hơn 10m ở Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bật gốc, ngã xuống sân trường...

Rất may thời điểm cây phượng ngã chưa có học sinh đến lớp nên không có thiệt hại về người. Vậy, vấn đề đặt ra là cần trồng cây gì trong trường học và chăm sóc cây xanh như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất nạn xui rủi do cây gây ra?

Trao đổi với PV Báo CAND, thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, trường Marie Curie là một trong những trường cổ nên có những cây cổ thụ rất to. Trường có gần 30 cây lâu năm, trong đó 10 cây trên dưới 100 năm, có cây đường kính phải 3 người ôm, cao trên 30 mét.

Thầy chia sẻ: “Trước đây, thấy nhiều lá xanh của cây hay rụng, khi tôi quan sát thì thấy dưới gốc có nhiều bê tông của sân trường. Sau đó tôi cho thay bê tông bằng việc trồng cỏ dưới gốc cây thì hết rụng lá xanh và cây phát triển tốt. Có thể do bê tông xung quanh gốc làm ảnh hướng đến quá trình phát triển của cây, cây thiếu nước…”, thầy Khoa chia sẻ.

 Sau vụ đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng, thành phố sẽ rà soát kỹ hệ thống cây xanh tại trường học, thí điểm kiểm tra tại quận 1 và quận 3.

Sau vụ đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng, thành phố sẽ rà soát kỹ hệ thống cây xanh tại trường học, thí điểm kiểm tra tại quận 1 và quận 3.

Thầy Khoa cũng thừa nhận, mặc dù cây xanh cho khuôn viên trường là rất đẹp, tạo bóng mát nhưng cũng có sự nguy hiểm. Ý thức được vấn đề này nên nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV công viên cây xanh thành phố để được tư vấn về tình hình cây xanh, bảo vệ cây, mé nhánh, hạ độ cao, nhất là trước mùa mưa bão. Cây cảnh nhiều nên trường thuê một người chuyên về cây xanh hàng ngày chăm sóc.

Khi thấy cây nào có biểu hiện mục hoặc cành bị khô, nếu nhà trường hỗ trợ kéo xuống được thì kéo, còn không thì liên hệ với công ty cây xanh đến liền. Tuy vậy, mỗi khi mưa bão nhà trường vẫn rất lo lắng, thường yêu cầu học sinh ở trong lớp.

Cây xanh trong sân một trường học ở TP Hồ Chí Minh

Được biết, qua vụ tai nạn cây phượng đổ tại THCS BẠch Đằng, UBND quận cũng có điện thoại đến trường trao đổi về vấn đề cây xanh của trường. Công ty cây xanh cũng đã thông báo ngày 29/5 sẽ đến khảo sát cây xanh của trường Marie Curie. Do trong trường cũng có một cây phượng lâu năm ở khu vực bãi giữ xe của giáo viên, công ty cây xanh sẽ đến khảo sát để có hướng xử lý.

Sau vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại THCS Bạch Đằng, theo các chuyên gia về cây xanh, trường học nên chọn trồng những loại cây có thân dẻo, có rễ cọc. Không nên chọn những cây thân giòn, rễ chùm vì trồng lâu cây sẽ vừa làm hỏng sân trường, cây lại có xu hướng mọc trồi lên phía trên, học sinh khi chạy nhảy có thể vấp ngã. Phải đảm bảo độ sâu của hố trồng mới an toàn và hạn chế rủi ro đến tính mạng khi gặp tác động của thời tiết, ngoại cảnh; không nên trồng cây trên bồn cao và xây quanh gốc hay đổ bê tông.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng cho biết, trong trường học nên trồng cây bằng lăng, cây me chua, lộc vừng, giáng hương. Những cây này cho bóng mát, cây không quá lớn, thân dẻo nên khá an toàn cho học sinh.

Cũng theo ông Ngô Bá Kính, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, trường học không nên trồng những cây quá cao vì rất khó xử lý cành, trong trường hợp bị bật gốc sẽ nguy hiểm hơn. Trường học chỉ nên trồng các loại cây có chiều cao từ 10 đến 15 mét trở lại để dễ khống chế và có thể trồng các loại cây như: sao dầu (sao đen), nhạc ngựa, vàng anh…

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tổng số lượng cây xanh do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc sở và UBND quận, huyện quản lý hơn 183.000 cây. Việc quản lý cây xanh được phân cấp theo từng tuyến đường và từng khu vực. Sau sự cố ngã cây tại Trường THCS Bạch Đằng, sở đã có văn bản chỉ đạo tổng rà soát cây xanh trên địa bàn. Cũng theo Sở Xây dựng, trong năm 2019, tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có 446 cây bị ngã và 738 cây bị gãy nhánh. Tác động của đô thị hóa, nhất là việc ngày càng nhiều nhà cao tầng mọc lên là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng đường hầm làm cho cây xanh dễ ngã đổ và gãy, tét nhánh. Do vậy, việc rà soát, đánh giá tình trạng cây xanh là rất quan trọng.

Ngày 28/5 theo chỉ đạo mới nhất của ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành không để xảy ra tình trạng chặt cây xanh bừa bãi trong trường học. Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp, rà soát kỹ cây xanh trồng trong trường học để đảm bảo an toàn cũng như bóng mát cho học sinh ở sân trường. Trong đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT quán triệt tinh thần này đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Sở cũng cần phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát cây xanh toàn thành phố, trước hết là ở quận 1 và quận 3.

Ông Đức cũng cho biết, điều quan trọng là phải làm thực chất, xem cây nào không đáng tồn tại thì hủy, cây nào củng cố được thì phải giữ. Việc này cần khảo sát với sự phối hợp của cơ quan chuyên môn để thực hiện cho hợp lý.

H.Nga - N.Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/sau-su-co-hoc-sinh-thuong-vong-vi-do-cay-xanh-trong-cay-gi-trong-truong-hoc-596867/