Trồng cây ăn trái tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Sản phẩm sầu riêng và mít hiện tại giá cao nhưng đầu ra chưa ổn định nên thường tái diễn tình trạng được mùa, mất giá.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tiền Giang, từ năm 2016 đến nay, các huyện phía Tây của địa phương này đã có hơn 6.000 ha đất trồng lúa chuyển sang ; trong đó khu vực ngập lũ thuộc phía Bắc quốc lộ 1 có gần 5.000 ha.

Đa số các loại cây ăn trái được nông dân chọn trồng là mít giống Thái và sầu riêng, tập trung nhiều nhất là huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước... Việc nhân rộng diện tích cây ăn quả trên nền đất lúa đã phá vỡ quy hoạch, kéo theo những hệ lụy sau này về đầu ra sản phẩm và gây mâu thuẫn giữa 2 mô hình sản xuất lúa và cây ăn quả; đồng thời khi có lũ lớn về sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Cây mít Thái được nhiều nhà vườn lựa chọn trồng vì có năng suất cao.

Cây mít Thái được nhiều nhà vườn lựa chọn trồng vì có năng suất cao.

Hiện nay, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, vận động nông dân không "chạy" theo phong trào, không nên trồng cây ăn trái trong vùng đất ngập lũ. Đặc biệt, đối với cây sầu riêng và mít tuy hiện tại giá cao nhưng đầu ra chưa ổn định nên thường tái diễn tình trạng được mùa, mất giá.

TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết. không nên phát triển ồ ạt cây mít và sầu riêng vì khâu chế biển bảo quản trái cây ở vùng ĐBSCL còn rất hạn chế. Khi trái mít, sầu riêng bị dội hàng do rớt giá, nhà vườn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Sản phẩm sầu riêng, mít được Trung Quốc và các nước Đông Nam Á mua nhiều, nhưng lại không phù hợp với các nước như Australia, châu Âu, Mỹ... Thời gian tới, nếu các nhà vườn phát triển tự phát và quá ồ ạt các loại cây này, nhà nước sẽ rất khó hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm”, TS. Nguyễn Văn Hòa lưu ý./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trong-cay-an-trai-tu-phat-tiem-an-nhieu-nguy-co-915836.vov