Trong cái nguy dịch bệnh sẽ có cơ thay đổi

Bối cảnh nhiều lĩnh vực đình trệ như hiện nay là lúc dành thời gian khai thông những phần việc đang 'tắc', để sau khi qua giai đoạn 'chiếc lò xo nén lại', các nguồn lực được bung ra hết sức, tạo đà cho việc phát triển kinh tế.

Cơ hội từ online

Những ngày này, cứ vào 8h sáng, chị Mai Hoa (Dương Nội, Hà Đông) lại ra mở cửa nhận những gói hàng do người giao hàng chuyển đến, từ thịt cá cho đến đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.

Từ khi dịch Covid 19 bùng phát đến nay, chị Hoa đã giảm bớt tần suất đến siêu thị, thay vào đó chị mua hàng online. Hầu như tất cả những nhu yếu phẩm trong nhà, trừ rau dưa, chị đều mua trực tuyến.

Nhiều bà nội trợ có chung tâm lý như chị Hoa. Dịch bệnh căng thẳng, nhưng con người vẫn cần ăn uống và các sinh hoạt khác. Cho nên tự thay đổi để thích nghi với cuộc sống là điều nhiều người lựa chọn. Sự thay đổi của các bà nội trợ cũng là lối đi cho nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vượt qua bão dịch.

11 giờ trưa, cửa hàng cơm niêu trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) còn vắng người. Nhưng hàng chồng khay thức ăn đã được xếp lên nhau, chờ chuyển đến tay khách hàng. Nhiều người đã chọn gọi đồ về công ty, thay vì ra tận cửa hàng.

Nhiều doanh nghiệp cũng nắm bắt được tâm lý ấy, cho nên đã đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến. Lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cũng tiết lộ số đơn đặt hàng online mua sản phẩm của công ty đã tăng đột biến. Do đó, nâng cấp và cải thiện khâu giao dịch trực tuyến, vận chuyển hàng là điều lãnh đạo công ty này quan tâm.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3, đại diện Tập đoàn Masan khẳng định đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử. Tập đoàn này có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị.

Nhờ những thay đổi ấy, các công ty dần khắc phục phần nào thiệt hại do dịch bệnh gây ra, dù rằng những khó khăn là khó diễn tả hết thành lời.

Lớp học trực tuyến tại một trường Phổ thông liên cấp trong mùa dịch ở Hà Nội

Lớp học trực tuyến tại một trường Phổ thông liên cấp trong mùa dịch ở Hà Nội

Báo cáo ảnh hưởng hành vi của Covid – 19 lên hành vi người tiêu dùng các lĩnh vực do Nielsel Việt Nam thực hiện đã đưa ra nhận định: “Việc Covid – 19 kéo dài có thể thúc đẩy thói quen mua hàng online của người dân”.

Khảo sát cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát, người dân hạn chế ra ngoài tụ tập ăn uống, thay vào đó lượng người chủ động trữ thực phẩm, gọi đồ ăn và giải trí tại nhà tăng lên chóng mặt, trong đó các dịch vụ liên quan đến online shopping chiếm ưu thế vượt trội.

“Hạn chế đi chợ/siêu thị/hàng quán nên việc tiêu thụ các sản phẩm tươi sống, bia/nước giải khát giảm, trong khi thực phẩm đóng gói, vệ sinh cơ thể/nhà cửa sẽ tăng”, khảo sát của Nielsel khẳng định.

Điều đó cho thấy, khi phương thức kinh doanh này suy giảm, thì sẽ là cơ hội cho phương thức kinh doanh khác ra đời, thay thế.

Không chỉ là lối ra cho nhiều cửa hàng, thói quen mua hàng online đang được lan tỏa sẽ là cơ hội để các đơn vị thanh toán không dùng tiền mặt chớp lấy cơ hội. Sau một thời gian nghiên cứu, nhiều nhà mạng đang rất mong chờ các bộ ngành cho phép triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money). Thông qua dịch vụ này, người dùng có thể thanh toán hóa đơn, chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động,… và những dịch vụ tương tự.

Thói quen mua hàng online đang được nhiều người tin dùng hiện nay, sẽ là cơ sở để các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, một vấn đề Việt Nam đã nỗ lực nhiều nhưng kết quả chưa gặt hái được bao nhiêu.

Giải phóng các nguồn lực bị “ách tắc”

Không phải chỉ các dịch vụ online có cơ hội từ dịch bệnh, mà nhiều lĩnh vực khác cũng có thể tận dụng thời gian này để có những bước thay đổi. “Biến nguy cơ thành thời cơ”, đó là lời chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các tập đoàn tư nhân ngày 12/3. Bối cảnh nhiều lĩnh vực đình trệ như hiện nay cũng là lúc dành thời gian khai thông những phần việc đang “tắc”, để sau khi trải qua giai đoạn “chiếc lò xo nén lại”, các nguồn lực được bung ra hết sức, tạo đà cho việc phát triển kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nói rằng đây là “thời cơ vàng” để sửa chữa hạ tầng đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhằm “đón đầu đợt tăng trưởng mới” sau dịch bệnh.

Còn lãnh đạo một tập đoàn nhà nước cũng chia sẻ: “Đây là cơ hội để chúng tôi đẩy mạnh chế tạo các sản phẩm cơ khí mà trước đây phải nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Những dự án đang đắp chiếu, nằm im lìm bấy lâu cũng cần phải được đánh thức để tạo động lực cho tăng trưởng giai đoạn tới đây. Nếu nhiệt điện Thái Bình 2 được đi vào vận hành, đường sắt Cát Linh – Hà Đông thông tàu, nhiệt điện Long Phú 1 hết lâm cảnh mắc kẹt vì nhà thầu Nga bị cấm vận, 12 dự án yếu kém ngành Công Thương có lối ra sáng sủa… thì có nghĩa hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ được giải phóng. Đó là tiền, là động lực, là nguồn lực cho tăng trưởng.

Nếu những dự án nguồn điện đang mòn mỏi nằm trên bàn nhiều cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt, sẽ là cơ hội để giảm áp lực cung ứng điện trong tương lai.

Còn ở tầm vĩ mô, lúc khó khăn này, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh càng phải được quan tâm hơn nữa. Bởi dư địa cho cải cách còn nhiều, trong khi khó khăn về thủ tục lâu nay vẫn là rào cản cho doanh nghiệp phát triển. Dỡ bỏ được nút thắt này càng sớm, thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng nhanh, càng mạnh sau khi dịch bệnh đi qua.

Trong bối cảnh hiện nay, cần thúc đẩy chuyển đổi số thật nhanh và mạnh. Đây là thời cơ hiếm có. Chỉ trong 1 tháng qua, tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp tăng từ 12% lên 24%, tỷ lệ vượt gấp đôi trong vòng 20 năm qua. Có nghĩa, có những công việc chúng ta chỉ quyết và làm được trong lúc khó khăn. Nhân đà này, chúng ta nên thực hiện một số lĩnh vực gây ranh cãi mãi như thanh toán không dùng tiền mặt, cấp chứng chỉ qua mạng, mobile money, đấu giá tần số,...

Đó cũng là kiến nghị của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân khi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”. Làm được điều này, sau khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế có thể phát triển nhanh hơn theo hình chữ V, chứ không phải chầm chậm theo hình chữ U.

Trong nguy luôn có cơ, người dân và cả Nhà nước cần chung tay, tìm sáng kiến để cùng nhau vượt qua vận hạn này.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/trong-cai-nguy-dich-benh-se-co-co-thay-doi-623832.html