Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế: Phát huy các giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đảm bảo an toàn cho người lao động

Với tư tưởng con người vừa là chủ thể của cách mạng, vừa là mục tiêu cao nhất của cách mạng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người. Ngay khi đất nước đang phải thực hiện cuộc kháng chiến kiến quốc, Bác Hồ đã quan tâm, chỉ đạo công tác bảo hộ lao động.

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Với tư tưởng, quan điểm con người là vốn quý nhất của xã hội, trong các bản Hiến pháp đều quy định việc Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Đến bản Hiến pháp năm 2013, đã có bước chuyển lớn khi ghi nhận quyền được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động.

Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ IX, tháng 6 năm 2015, với 93 điều đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ về đảm bảo ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro trong lao động, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa TNLĐ, BNN.

Từ năm 2013-2020, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định quy định chi tiết Bộ luật Lao động năm 2012, Luật ATVSLĐ năm 2015; rà soát, xây dựng 6 Nghị định có liên quan đến công tác ATVSLĐ trong các lĩnh vực đặc thù; 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì và tham gia phối hợp với các bộ ban hành hơn 100 văn bản pháp luật có liên quan; nghiên cứu việc gia nhập Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 50 Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật ATVSLĐ và các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, kiểm định ATVSLĐ; nhận diện, đánh giá rủi ro, khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), sự cố kỹ thuật mất ATVSLĐ; chế độ bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN, hỗ trợ phòng ngừa từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; định mức kinh tế - kỹ thuật đối với 5 nhóm đối tượng huấn luyện ATVSLĐ; 35 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các lĩnh vực, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN và 31 Quy trình kiểm định đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công trình vui chơi công cộng phù hợp với thực tế và tình hình mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In Tiến Bộ, Hà Nội, ngày 13/5/1959. Ảnh chụp tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy In Tiến Bộ, Hà Nội, ngày 13/5/1959. Ảnh chụp tư liệu.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong triển khai thực hiện công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Với tư tưởng khi còn để xảy ra tai nạn lao động, điều đó rất đáng tiếc và chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xảy ra tai nạn lao động mà Bác đã nêu, sau khi Luật ATVSLĐ được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp quan tâm hơn, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người lao động và cộng đồng về ATVSLĐ; hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngày càng đa dạng, đổi mới bằng các hình thức trực quan, sinh động, nội dung phong phú; tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).

Số người lao động được khám sức khỏe định kỳ ngày càng tăng. Môi trường lao động trong thời gian qua có bước cải thiện đáng kể trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã quản lý, theo dõi được 32.029 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm có hại với tổng số lao động được quản lý là hơn 5 triệu người, trong đó có 59% số lao động tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; số cơ sở được quan trắc môi trường lao động gần 6.000 cơ sở hằng năm; số cơ sở đã lập hồ sơ vệ sinh lao động, chiếm 20% tổng số cơ sở. Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường tiên tiến, hiện đại, do vậy, tình hình tai nạn, sự cố mất an toàn, cháy nổ tại các cơ sở này được kiểm soát, kiềm chế, đảm bảo an toàn sản xuất.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, phát triển dịch vụ kiểm toán an toàn, là giải pháp đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế hiện nay

Để thực hiện tốt tư tưởng của Người về việc phải chú ý hơn nữa việc cải thiện đời sống cho công nhân và đảm bảo an toàn lao động và người lao động phải chú ý ăn, ở cho sạch sẽ, đúng vệ sinh để giữ gìn sức khỏe, các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã tập trung vào xây dựng các tiêu chuẩn, chuẩn mực về ATVSLĐ, ngay tại Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư đã đặt ra ngay yêu cầu phải xây dựng các tiêu chí về ATVSLĐ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hướng tới tập trung để triển khai và có đánh giá theo các chỉ tiêu, tiêu chí đã thống nhất. Qua Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW và hơn 3 năm triển khai Luật ATVSLĐ, việc xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về an toàn lao động, vệ sinh lao động mới chỉ được chú ý ở một số doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến và xây dựng văn hóa an toàn lao động, điển hình trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất và vận hành hệ thống điện, xây dựng công nghiệp, sản xuất, chế biến. Một số doanh nghiệp đã đưa ra các mục tiêu an toàn thông qua các phong trào “không tai nạn lao động”, qua đó xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về “số giờ làm việc an toàn”, “số ngày công an toàn”.

Việc có một bộ chỉ số đánh giá mức độ an toàn, vệ sinh lao động của một dự án, doanh nghiệp hay nơi làm việc sẽ giúp cho các nhà đầu tư, quản trị doanh nghiệp và ngay người lao động có thể tự đánh giá.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, khi mà yêu cầu thay đổi trong quản trị, điều hành để thích ứng với tình hình mới, để bước sang trạng thái bình thường mới, việc có được bộ chỉ số đánh giá an toàn cụ thể, sát thực sẽ giúp các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có biện pháp, kế hoạch kịp thời khắc phục; giúp các ngành, địa phương có chương trình can thiệp nhằm hạn chế rủi ro, cải thiện điều kiện lao động và giúp cho quốc gia có chiến lược, chính sách, chương trình phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe NLĐ phù hợp, tác động thúc đẩy phát triển bền vững, tăng năng suất và bảo vệ môi trường.

Qua đó, đang đòi hỏi cấp thiết những hành động cương quyết của tất cả các cấp trong việc phải tăng cường quản trị an toàn, để đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn, cháy nổ từ nhiều yếu tố, từ tự nhiên đến con người, qua đó điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và đặc biệt là bổ sung các biện pháp an toàn phù hợp, đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định, bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

ThS. Nguyễn Anh Thơ (Ủy viên BCH Đảng bộ - Bộ LĐ-TB&XH, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-va-hoi-nhap-quoc-te-phat-huy-cac-gia-tri-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-n183197.html