Trong 48 giờ, Tổng thống Mỹ 'nói lại' chính sách tiếp nhận di cư vì bị phản đối

Từng hứa hẹn sẽ nâng mức trần tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ lên hơn 60.000 người trong năm nay, Tổng thống Joe Biden mới đây cho biết, con số này sẽ chỉ ở mức 15.000.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vấp phải phản ứng mạnh từ chính Đảng Dân chủ sau khi thông báo giữ mức trần về tiếp nhận tị nạn hằng năm ở mức 15.000 người, ngang với ngưỡng từng bị cho là thấp kỷ lục của chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.

Hôm 16/4, chính quyền Mỹ cho biết ông Biden sẽ ký một sắc lệnh khẩn nhằm giữ mức giới hạn hiện tại đối với người tị nạn vào Mỹ ở mức 15.000 trong năm tài chính này.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Đáng nói, đây là ngưỡng tiếp nhận tị nạn thấp nhất kể từ năm 1980, chỉ tương đương thời ông Trump và nhất là còn quá thấp so với lời hứa trước đây của ông Biden sẽ tiếp nhận hơn 60.000 người tị nạn trong năm nay và tăng gấp đôi vào năm tới. Động thái ngay lập tức dậy lên làn sóng phản đối trong nội bộ Đảng Dân chủ và giới ủng hộ người tị nạn tại Mỹ.

Trước làn sóng phản đối quyết định trên, ông Biden đã tổ chức một cuộc hội đàm muộn tối cùng ngày những giới chức Nhà Trắng và thông báo sẽ tăng mức trần này lên trước thời hạn 15/5.

Trong cuộc họp báo ngắn hôm 17/4, Tổng thống Mỹ cũng phân trần về những khó khăn từ “cuộc khủng hoảng” ở biên giới, trong đó chính quyền đang cố gắng ngăn chặn làn sóng người di cư, đặc biệt là trẻ vị thành niên không có người đi kèm, qua biên giới phía nam. "Chúng tôi sẽ tăng số lượng", Biden nói với các phóng viên. "Chúng tôi không thể làm hai việc cùng một lúc. Nhưng bây giờ chúng tôi sẽ tăng số lượng." Theo kế hoạch mới, Mỹ sẽ dành 7.000 suất tị nạn cho châu Phi, 1.000 suất cho Đông Á, 1.500 suất cho châu Âu và Trung Á, 3.000 suất cho Mỹ Latin và khu vực Caribe, 1.500 suất cho khu vực Cận Đông và Nam Á, và cuối cùng là 1.000 suất dự phòng.

Trong tuyên bối hồi tháng 2/2021, ông Biden từng khẳng định: “Chúng ta đã hỗ trợ chốn dung thân cho những người chạy trốn bạo lực hoặc bị hành hạ. Chúng ta là tấm gương thôi thúc các nước mở rộng cửa”, đồng thời cam kết sẽ khôi phục "sự lãnh đạo về đạo đức trong vấn đề tị nạn" của nước Mỹ.

Lời hứa đó của ông Biden bị đem ra chỉ trích, đặc biệt là trong nội bộ Đảng Dân chủ và các nhà hoạt động. Theo các nhóm hoạt động vì người tị nạn, động thái của ông Biden là không công bằng với 35.000 người tị nạn đã vượt qua kiểm tra và sẵn sàng đến Mỹ, với tổng cộng hơn 100.000 người đang trong các giai đoạn xét duyệt.

Cẩm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trong-48-gio-tong-thong-my-noi-lai-chinh-sach-tiep-nhan-di-cu-vi-bi-phan-doi-416228.html