Trong 3 năm, xảy ra hơn 2.600 vụ cháy tại Hà Nội

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2019, Thành phố Hà Nội đã xảy ra hơn 2.600 vụ cháy, nổ khiến 61 người chết, 60 người bị thương; thiệt hại về tài sản lên tới 758 tỷ đồng.

Ngày 9/10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì Hội nghị.

Hiện trường của vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội khiến 13 người chết

vào tháng 10/2016 (Ảnh: Phạm Cường).

Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm qua, công tác phòng ngừa cháy, nổ luôn được các cấp, các ngành quan tâm nhằm giảm thiệt hại người về tài sản do cháy gây ra, trong đó UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành triển khai hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa. Cùng với đó, thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức kiểm tra PCCC trong phạm vi quản lý; chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra theo định kỳ, đột xuất, đặc biệt là kiểm tra theo các chuyên đề như: Chung cư, nhà cao tầng, các hoạt động văn hóa, karaoke, vũ trường; đặc biệt là chợ, trung tâm thương mại; cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất, khu công nghiệp, chế xuất…

Kết quả, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phúc tra 177 nghìn lượt đơn vị, cơ sở về công tác PCCC; lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 10 nghìn tổ chức, cá nhân vi phạm, với số tiền gần 32 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 835 cơ sở.

Nhìn nhận về những vấn đề còn tồn tại, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng: Công tác tuyên truyền PCCC hiện nay vẫn chưa tiếp cận được các tầng lớp nhân dân; công tác xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng chưa bảo đảm yêu cầu, hoạt động còn mang tính hình thức; công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn sơ hở, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, rõ ràng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu...Từ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2016 đến tháng 4/2019, thành phố Hà Nội đã xảy ra hơn 2.600 vụ cháy, nổ khiến 61 người chết, 60 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới 758 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC, giúp cho người dân hiểu được vai trò công tác đảm bảo PCCC. Công an thành phố, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng công an PCCC cần phối hợp với chính quyền diễn tập cần thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả sát với những tình huống ngoài đời.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các đơn vị cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn của mình. Với các quận huyện cần tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo đến thôn, xã về PCCC, nhắc nhở bà con về thời điểm cháy nổ mùa hanh khô…

Riêng đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đối với các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm, phải kịp thời khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật…/.

Tin, ảnh: Phạm Cường

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/trong-3-nam-xay-ra-hon-2-600-vu-chay-tai-ha-noi-538784.html