Trồng 150 cây bưởi đỏ Tiên Lộc, doanh thu 150 triệu đồng

Trồng 170 cây bưởi năm 2015, tới cuối 2017 anh Nguyễn Như Thanh ở Hà Nội thu 35 triệu đồng, năm 2019 thu 100 triệu đồng, năm 2020 dự kiến đạt 150 triệu đồng.

 Vườn bưởi đỏ Tiên Lộc của anh Nguyễn Như Thanh. Ảnh: Nguyễn Hải Tiến.

Vườn bưởi đỏ Tiên Lộc của anh Nguyễn Như Thanh. Ảnh: Nguyễn Hải Tiến.

Những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Như Thanh, thôn Quyết Tiến, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chủ nhân của giống bưởi đỏ Tiên Lộc đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

"Bưởi đỏ Tiên Lộc vỏ quả bưởi sau chín sẽ chuyển thành màu đỏ, ruột đỏ, múi dễ tách, bóc ráo tay, vị rôn rốt, không the đắng, đặc biệt trong quá trình bảo quản, vỏ quả luôn có hương thơm hấp dẫn. Sở dĩ có tên bưởi Tiên Lộc là do tôi tự nghĩ ra, trong đó Tiên là tên đầu của xã Tiên Phương quê hương tôi, còn Lộc là quà của đất trời ban cho”, anh Thanh tiết lộ.

Nói về lai lịch giống bưởi đỏ Tiên Lộc, anh Thanh thật lòng cho hay, hiện anh đang là công chức nhà nước, công tác ở khối Đảng ủy xã Tiên Phương, nhưng ngoài giờ hành chính anh làm thêm hơn 2.000m2 vườn chuyển đổi từ đất canh tác.

Theo đó, trước năm 2015 anh chỉ chuyên canh khoai lang và một số cây rau màu khác, sau vì vất vả quá, đã chuyển đổi sang trồng cây có múi, nhưng chọn giống cây gì, để trồng đạt thu nhập cao, lại là vấn đề nan giải.

"Sau nhiều đêm trăn trở, bất chợt tôi nhận ra, đâu đó trong bờ rào của nhà dân trong xã đang tồn tại một số cây bưởi có các đặc điểm quí như đã nói ở trên. Nghĩ vậy, tôi tiến hành điều tra rà soát lại rồi chọn những cây khỏe, sai quả, không sâu bệnh, chiết lấy cành làm về làm giống trồng trong trang trại của nhà." Anh Thanh nhớ lại.

Bưởi đỏ Tiên Lộc có màu sắc và mùi thơm rất đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Hải Tiến

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bưởi đỏ sinh trưởng rất nhanh, là to dày, màu xanh lục, ít sâu bệnh hại, trồng năm trước đến năm sau đã cho quả. Giá bưởi chính vụ chỉ được 15.000 đồng/quả, nhưng thu vào dịp tết có thể lên tới 70.000 - 100.000 đồng/1 quả, tùy thị trường tiêu thụ.

Giống có ưu điểm nổi bật là, cho thu hoạch sớm (từ 15/7-30/8 Âm lịch), được coi là bưởi chín sớm, quả có thể neo (bảo quản) trên cây tới gần tết Nguyên đán mới thu hái, sau bày trên ban thờ tới tháng 4 năm sau vẫn giữ được hương thơm hấp dẫn.

Kết quả, trồng 170 cây bưởi năm 2015, tới cuối năm 2017 tôi đã thu được 35 triệu đồng, năm 2018 được hơn 70 triệu đồng, năm 2019 được trên 100 triệu đồng, năm 2020 này sẽ cho thu ngót 150 triệu đồng, thu nhập cao gấp 1,5 lần so với cây trồng cũ (cùng diện tích). Kế hoạch trong năm 2021, anh Thanh sẽ mở rộng diện tích bưởi lên gấp đôi (4.000m2) và vẫn trồng bằng cây giống chiết cành.

Theo anh Thanh, trồng bưởi bằng cành chiết có nhược điểm, hệ số nhân giống thấp, khó vận chuyển đi xa, bộ rễ cây ăn nông. Nhưng đổi lại, các cây sinh ra từ cành chiết giữ nguyên được các đặc tính ưu tú của cây mẹ.

Mặt khác, tầng đất canh tác ở xã Tiên Phương rất mỏng, đào sâu 20cm đã thấy sỏi ruồi, vì vậy trồng bằng cây giống chiết cành là phù hợp ở đây nhất.

Lau bằng rượu để tăng hương thơm và giữ quả bưởi bảo quản được lâu. Ảnh: Nguyễn Hải Tiến

Anh Thanh lưu ý, bưởi đỏ Tiên Lộc thu hoạch chính vụ (ăn tươi), ruột quả mang màu đỏ nhưng vỏ quả vẫn màu vàng cam. Vỏ quả chỉ chuyển sang màu đỏ, khi lại neo trên cây từ tháng 10 (âm lịch) trở ra.

Để tăng hương thơm cho quả bưởi, trước khi bày lên ban thờ, cần lau quả bằng khăn khô, sau dùng khăn mềm thấm rượu trắng lau lại quả, rượu có dụng sát khuẩn, thúc đẩy quá trình lên hương của vỏ, giúp quả bưởi tăng mùi thơm (có thể để chơi đến tháng 4 năm sau).

Không nên lau rửa bưởi bằng nước lã, bởi bưởi sẽ nhanh hư hỏng. Để tăng độ ngọt thịt quả, trước thu hoạch khoảng 40 ngày, nên bón thêm siêu kali quá lá.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trong-150-cay-buoi-do-tien-loc-doanh-thu-150-trieu-dong-d282683.html