Trong 11 năm, gần 930 nhà báo trên thế giới bị giết hại khi tác nghiệp

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội: Nhiều nhà báo phải đối mặt với những khó khăn như sự kiểm duyệt gắt gao, áp lực, bị đe dọa…

Sáng 29/11, phát biểu trong Hội nghị thường niên 2017 với chủ đề “Báo chí với Phát triển bền vững”, ông Michael Croft – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh: Trong suốt 11 năm qua (từ 2006 -2016) đã có gần 930 nhà báo trên khắp thế giới bị giết trong khi đang tác nghiệp.

Nhiều nhà báo phải đối mặt với những khó khăn như sự kiểm duyệt gắt gao, áp lực, bị đe dọa, bị lạm dụng về thể chất, bị tấn công, quấy rối tình dục, bắt cóc, giam giữ, bị phá hủy thiết bị và ngược đãi.

Ông Michael Croft cho biết, việc miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi chống nhà báo đã trở nên rất phổ biến. 9 trong số 10 trường hợp, những kẻ vi phạm không hề bị trừng phạt. Đến năm 2016, chỉ có 8% trong số 827 vụ giết hại nhà báo (từ năm 2006 đến 2015) được xử lý.

Toàn cảnh của hội nghị

Ông Croft nêu rõ, việc không xử lý và trừng phạt nhẹ gây nên ảnh hưởng rất lớn, nó tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến xã hội chịu nhiều tổn thất.

“Đại hội đồng LHQ, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền đã lên án các hành vi chống lại các nhà báo và kêu gọi đảm bảo sự an toàn cho họ. LHQ cũng đã thông qua Kế hoạch Hành động và An toàn của Nhà báo và vấn đề miễn trừ trách nhiệm. Đầu năm nay, các bên liên quan trong kế hoạch hành động của LHQ đã gặp nhau tại Geneva để thảo luận việc hợp tác trong tương lai và các hoạt động liên quan trong những năm tới”- ông Croft nói.

Bên cạnh đó, những thông tin “bị ỉm đi” chính xác là loại thông tin mà công chúng cần biết. Thông tin là điều rất cần thiết để đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống, dù là kinh tế, xã hội hay chính trị. Việc tiếp cận thông tin đáng tin cậy và có chất lượng là nền tảng cho nền dân chủ, quản trị tốt và các thể chế có hiệu quả.

Ông Croft dẫn lời của Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO Frank la Rue phụ trách truyền thông nói rằng: “Chỉ khi các nhà báo làm việc trong một môi trường an toàn và độc lập, họ mới có thể cung cấp thông tin một cách tự do cho người dân tiếp cận, có như vậy mới đạt được phát triển bền vững”.

Hội nghị thường niên 2017 với chủ đề “Báo chí với Phát triển bền vững” do Trung tâm nghiên cứu truyền thống phát triển (RED) - thành viên của VUSTA phối hợp với Bộ các vấn đề toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC) và UNESCO tổ chức.

Hội nghị diễn ra nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế chấm dứt tình trạng không trừng phạt các hành vi vi phạm an toàn nhà báo (2/11 hàng năm).

Tại hội nghị này, RED đã trình bày kết quả các phiên làm việc của hội nghị trong ngày 28/11 về hoạt động của năm 2017 và định hướng hoạt động 2018 với các nội dung như: báo cáo từ bảo vệ tác nghiệp đến an toàn nhà báo; Thống kê và đánh giá những vụ việc cản trở tác nghiệp của báo chí năm 2017; nghiên cứu nhận diện hành vi trục lợi trong lúc tác nghiệp của nhà báo…/.

Thu Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/trong-11-nam-gan-930-nha-bao-tren-the-gioi-bi-giet-hai-khi-tac-nghiep-701367.vov