Trọn vẹn tình yêu phấn trắng - học trò

Dành trọn tình yêu nghề giáo, yêu thương học trò hết mực, hơn 30 năm qua, vợ chồng thầy giáo Phan Thanh Thuận - Bùi Thị Thư đã lặng thầm chèo lái không biết bao chuyến đò sang sông. Có lẽ, họ là những hình mẫu nhà giáo lý tưởng trong cuộc sống hôm nay.

Ngồi lại để lắng nghe bao câu chuyện buồn vui nghề giáo mà họ từng trải qua, lại càng hiểu hơn ngọn lửa yêu nghề, sự tận tâm cống hiến hết mình vì nghề đã và chưa bao giờ dừng lại. Đây cũng là đôi vợ chồng nhà giáo duy nhất tại Đà Nẵng vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2016 và 2017.

Những nhà giáo mẫu mực

Giữa những ngày kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi ghé thăm gia đình thầy giáo Phan Thanh Thuận, giáo viên, Tổ trưởng Tổ toán - tin, Trường THPT Tôn Thất Tùng, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, không thể bất ngờ hơn bởi được gặp trong ngôi nhà nhỏ này tình cảm thầy trò thắm thiết. Đó là những người học trò cũ của thầy giáo Thuận, sau 20 năm ra trường, đã cùng kéo về thăm thầy cô, tri ân những tháng năm thầy đã cùng họ vượt qua nhiều khó khăn để đến với từng con chữ.

Anh Đặng Công Anh Tuấn, cựu học sinh lớp 12E, khóa 1996-1998, chia sẻ, được học thầy là một hạnh phúc lớn của chúng tôi. Ấn tượng thầy để lại trong tôi không chỉ là những bài dạy đầy lý thú, bổ ích, những hình ảnh minh họa độc đáo cho môn toán, mà thầy là người có tấm lòng yêu thương, quan tâm học sinh hết mực. Hồi đó, cuộc sống còn khó khăn, phương tiện đi lại không có, vậy mà thầy vẫn tìm đến từng nhà học trò khi có chuyện này, chuyện kia xảy ra.

Câu chuyện về trường lớp, thầy trò cứ thế làm ấm thêm không khí trong ngôi nhà nhỏ. Chia sẻ về niềm vui, hạnh phúc bởi cả hai vợ chồng đều vinh dự được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản tại TP Đà Nẵng - thầy Thuận được nhận giải thưởng lần thứ nhất năm 2016 và cách đây mấy ngày, cô Bùi Thị Thư vinh dự là một trong 20 nhà giáo của Đà Nẵng được trao tặng giải thưởng này.

“Hạnh phúc và rất vui. Bởi những cống hiến vì nghề, vì học trò bao tháng năm qua được tập thể nhà trường, học sinh ủng hộ. Đây cũng là một trong những động lực để hai vợ chồng gắn bó hơn với nghề, với phấn trắng bảng đen để đưa kiến thức trao truyền cho học sinh”, thầy Phan Thanh Thuận nói.

Thầy Thuận quê Quảng Trị, cô Thư quê huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cả hai cùng sinh năm 1963, cùng học ngành sư phạm toán, Trường ĐH Sư phạm Huế. Năm 1986, cả hai tốt nghiệp đại học, cùng viết đơn về Quảng Nam - Đà Nẵng công tác. “Hồi đó, Thư cứ buộc mình phải viết đơn về cùng dạy, cùng công tác một chỗ, nhất định thế. Bọn mình được phân về dạy tại Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ), hai năm sau, chúng mình tổ chức đám cưới. Năm 1995, mình được chuyển về dạy tại Trường THPT Tôn Thất Tùng và Thư được chuyển công tác về dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là TTGDTX TP Đà Nẵng cơ sở 1. Và gắn bó tới bây giờ”, thầy Thuận trải lòng.

Nhưng với cô giáo Thư, có lẽ, chính tình yêu vợ chồng thủy chung bền chặt đó, đã là động lực để cô gắn bó với những học trò của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Bởi, với cô, khi đã chọn nghề giáo viên, chỉ có tình yêu nghề và sự cảm thông mới là sợi dây kết nối học sinh, mà học sinh của cô đa phần là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

“Mình có nhiều học trò thành đạt lắm. Người giáo viên, niềm hạnh phúc nhất là truyền đạt lại kiến thức cho học sinh, và hơn hết, phải sáng tạo để giờ dạy luôn sinh động. Mỗi giờ lên lớp, mình đều mang theo một túi đựng đồ nghề, đó là những mô hình học toán để giúp các em dễ hình dung, hiểu bài, giải toán bằng trực quan sinh động”, cô Thư nói.

Hai nhà “sáng chế”

“Nhà mình không có gì ngoài những đồ vật này”, thầy Thuận nói rồi khoe với chúng tôi hàng chục mô hình minh họa môn toán đại, toán hình, sáng kiến kinh nghiệm Đại số và giải tích trực quan, Hình học không gian không khó, Bộ thước mô phỏng và thực hành.

“Thầy cô mất bao nhiêu thời gian cho những sáng chế này”, tôi hỏi. Thầy cười hiền: “Mê toán và yêu thích môn toán, cả hai vợ chồng mình đều muốn “cụ thể hóa” môn toán ra bằng các mô hình tự chế, tự sáng tạo. Mày mò nghiên cứu, làm xong, cả hai cùng phản biện. Sau đó, sửa lại phù hợp và cùng các đồng nghiệp đưa vào thí điểm trong từng giờ học, tiết học. Nói ngắn gọn là bao nhiêu năm trong nghề thì có bấy nhiêu thời gian bỏ công bỏ sức làm mô hình”.

Trong ngôi nhà nhỏ, những chiếc kệ sách xinh xắn được gắn trên tường cùng các mô hình dạy toán. “Toán học vốn khô khan, học sinh thì nhiều mức kiến thức khác nhau, phải cho các em hiểu ra vấn đề rồi mới dạy cho các em cách giải. Cũng chính vì thế, nhờ những sáng chế này mà anh em trong tổ bộ môn toán - tin của trường đều hưởng ứng nhằm nâng cao chất lượng dạy - học”, thầy Thuận nói về khối “tài sản” sáng chế của hai vợ chồng trong suốt nhiều năm qua.

Chính những sáng chế của hai vợ chồng đã thực sự giúp cô Thư vững tâm hơn trong từng giờ giảng. Có một điều đặc biệt, 31 năm gắn bó với nghề thì có hơn 22 năm cô gắn bó với học sinh hệ GDTX. Đó là sự cống hiến miệt mài mà không phải ai cũng có thể làm được. Cô đã bắt đầu làm quen với các học trò của mình với nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh, nhiều thành phần… để điều chỉnh giáo án một cách hợp lý nhất.

Cô Thư cũng là giáo viên được phân công chủ nhiệm nhiều nhất, để lại nhiều tình cảm yêu mến, kính trọng trong nhiều thế hệ học sinh. Cô cũng chia sẻ bí quyết để những giờ dạy môn toán luôn sôi nổi và tương tác là cô quy về phương pháp thông qua các bước giải, sau đó mời học sinh lên bảng ráp từng bước một. Và cho học sinh làm nhiều bài tập tại lớp để các em cùng trao đổi, hiểu, củng cố kiến thức ngay tại lớp.

“Lúc mới về, mình cũng lo lắng nhiều, nhưng rồi, từ sự san sẻ gần gũi các em, đến giờ thì TTGDTX như mái nhà thứ hai của mình, và học sinh là những đứa con trong ngôi nhà thứ hai đó. Đặc thù của học sinh hệ giáo dục thường xuyên là khả năng tiếp thu bài vở chưa nhanh bằng học sinh hệ phổ thông. Phần lớn các em rất ít đi học thêm, nên để giúp các em hiểu bài, mình đều mang theo mô hình minh họa để giúp các em dễ hiểu bài, làm bài nhanh hơn”, cô tâm sự.

Với vợ chồng thầy Thuận, cô Thư, hạnh phúc nghề giáo được gầy dựng nên từ những điều giản dị như thế. Nhưng, chính họ lại là những người cho ta niềm tin yêu, sự tử tế và trân trọng hơn nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý hôm nay.

Sáng kiến dạy học là niềm vui theo trọn hai vợ chồng cô Thư, thầy Thuận hơn 30 năm qua.

Cô giáo Bùi Thị Thư bên những học trò của mình.

Những mô hình cô Thư sáng tạo mang lại cho học trò giờ học toán lý thú, bổ ích.

Thầy giáo Phan Thanh Thuận bên mô hình Tam giác Pascan, giúp học trò học toán dễ hiểu.

Hai học trò cũ ghé thăm vợ chồng nhà giáo Phan Thanh Thuận, sáng 16-11.

Thầy Phan Thanh Thuận có tám năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, hàng chục sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, vinh dự nhận nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT, UBND TP Đà Nẵng, đạt Giải nhất, Giải ba cuộc thi quốc gia, Giải nhất và Giải ba cuộc thi cấp thành phố (2011-2013) về Thiết kế bài giảng điện tử e-learning.

Cô Bùi Thị Thư, tám năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, hai năm đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai năm đạt danh hiệu GVG cấp cơ sở và trung tâm, Giải nhì GVCN giỏi cấp TP, Giải II cuộc thi thiết kế bài giảng E-learming cấp TP, Giải II TP về bài giảng điện tử Lô-ga-rít; Giải nhất cấp TP về cuộc thi đồ dùng dạy học…

Thầy Phan Thanh Thuận có tám năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, hàng chục sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, vinh dự nhận nhiều bằng khen của Bộ GD-ĐT, UBND TP Đà Nẵng, đạt Giải nhất, Giải ba cuộc thi quốc gia, Giải nhất và Giải ba cuộc thi cấp thành phố (2011-2013) về Thiết kế bài giảng điện tử e-learning.

Cô Bùi Thị Thư, tám năm đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, hai năm đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai năm đạt danh hiệu GVG cấp cơ sở và trung tâm, Giải nhì GVCN giỏi cấp TP, Giải II cuộc thi thiết kế bài giảng E-learming cấp TP, Giải II TP về bài giảng điện tử Lô-ga-rít; Giải nhất cấp TP về cuộc thi đồ dùng dạy học…

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/34729702-tron-ven-tinh-yeu-phan-trang-hoc-tro.html