Trọn vẹn nghĩa tình

Với truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ðền ơn đáp nghĩa', cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân không bao giờ quên những Anh hùng, liệt sĩ, người có công đã xả thân vì độc lập, tự do của đất nước. Tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7 này, nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân càng tô đậm nghĩa tình trọn vẹn…

Cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ðặng Thị Ðậm (ấp Xóm Thuốc, xã An Phú, huyện Củ Chi).

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thời gian qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời quan tâm đến gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngoài đóng góp trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang Quân khu 7 còn vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhân dân thực hiện tốt phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" như tích cực tham gia chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước.

Phòng Chính sách Quân khu 7 luôn làm tốt công tác tham mưu cho Thường vụ Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức triển khai kế hoạch và hướng dẫn công tác chính sách trong lực lượng vũ trang quân khu; chăm lo giải quyết tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với nước. Ðồng thời, tích cực theo dõi, giúp đỡ các cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Quân đội.

Ðại tá Nguyễn Hữu Lâm, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 7 cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, công tác đền ơn đáp nghĩa của lực lượng vũ trang Quân khu 7 tiếp tục được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương; luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: gặp mặt, thăm hỏi, động viên, tặng hơn 3.000 phần quà cho đối tượng chính sách; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, đài, bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ với gần 7.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; quan tâm, chăm lo các gia đình chính sách neo đơn…

Công tác chăm lo gia đình có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh luôn được các cấp, các ngành tại huyện Củ Chi đặc biệt quan tâm, được thể hiện với nhiều hình thức rất ý nghĩa.

Những năm tháng chiến tranh, vùng đất xã An Phú (Củ Chi) là nơi tranh chấp ác liệt. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã An Phú và ba cá nhân của địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; toàn xã có 92 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), 507 liệt sĩ, 345 gia đình có công với cách mạng… Từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, xã đã xây dựng nhà bia tưởng niệm khắc tên các Mẹ VNAH, Anh hùng liệt sĩ để ngày ngày nhang khói tri ân. Xã đã xây tặng 212 nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh. Năm Mẹ VNAH còn sống đã được nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Ðến nay, hầu hết các hộ chính sách ở xã đã vượt chuẩn nghèo…

Kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7 năm nay, Hội Cựu chiến binh huyện Củ Chi đã tổ chức bữa cơm "chúng con về với mẹ" tại gia đình Bà mẹ VNAH Võ Thị Ba ở ấp 6, xã Phước Vĩnh An, có hai con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong chiến tranh, Bộ đội Cụ Hồ không quản ngại khó khăn, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để giành độc lập, tự do cho đất nước. Trở về cuộc sống đời thường, họ tiếp tục lao động, sản xuất và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ðịnh, đảng viên 50 năm tuổi Ðảng, đang sinh sống tại xã An Thới Ðông, huyện Cần Giờ là một trường hợp như thế.

Trưởng thành từ quân ngũ, trực tiếp cầm súng ra chiến trường, ông thấu hiểu sự hy sinh của đồng đội. Ðất nước hòa bình, đời sống người dân đã dần phát triển, thế nhưng đâu đó cuộc sống của nhiều gia đình chính sách vẫn còn khó khăn. Chính vì thế, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thới Ðông, ông Ðịnh đã tích cực vận động kinh phí từ các nhà tài trợ để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình chính sách, gia đình thương binh, gia đình quân nhân gặp khó khăn, đồng thời phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức nhiều mô hình giúp hội viên nghèo vượt qua khó khăn. Việc làm này đã và đang lan tỏa góp phần giúp hội viên Cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân trong xã có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo…

Từ năm 2014, thực hiện Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ðề án 1237), Thường vụ Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đến nay đã đạt kết quả tích cực.

Theo số liệu mới nhất, qua 17 giai đoạn tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ các đội chuyên trách của Quân khu 7 đã tìm kiếm, cất bốc được 9.207 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 516 bộ có tên và địa chỉ. Tất cả các hài cốt liệt sĩ đều được đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ một cách trang trọng và ấm áp ân tình đồng đội. Tại địa bàn trong nước, từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 đã tiếp tục tìm kiếm, cất bốc được 97 hài cốt liệt sĩ.

Với tình cảm trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân đã và đang có nhiều việc làm ý nghĩa để tri ân những người đã chịu nhiều hy sinh, mất mát trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân sẽ tiếp tục là hạt nhân tích cực trong phong trào "Ðền ơn đáp nghĩa" nhằm xoa dịu một phần đau thương, mất mát của các đối tượng chính sách và người có công…

Bài, ảnh: Sơn Cúc và Văn Tài

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37124202-tron-ven-nghia-tinh.html