Trọn tình với sử thi

Đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên ngày xưa có câu: Cuộc sống thiếu tiếng chiêng, vắng sử thi chẳng khác nào thiếu cơm thiếu muối. Tây Nguyên là vùng đất với những giá trị lịch sử văn hóa tinh thần vô giá của những điệu cồng chiêng, rượu cần và đặc biệt là vùng sử thi.

Già Dach vừa đan gùi, đơm, vừa hát sử thi

Già Dach vừa đan gùi, đơm, vừa hát sử thi

Ánh hoàng hôn đổ dài trên con đường đất đỏ vào nhà già Dach (thôn Prông Thông, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai). Tiếng đing pút cùng lời hát lúc trầm hùng rộn rã phá tan không gian tĩnh mịch. Anh Siu Lol, bí thư chi bộ thôn Prông Thông cho biết: Già Dach năm nay đã 103 tuổi, là người biết hát kể sử thi cuối cùng của thôn và cả của xã Ia Băng.

Khi vào nhà, ông đang hát vang từng đoạn sử thi huyền thoại của người Ba Na. Già cho biết, ông lớn lên trong vòng tay của người chú họ, ngày nhỏ mỗi tối bên bếp lửa chú đưa ông vào giấc ngủ bằng những câu hát sử thi Ba Na. Cứ thế lời ca tiếng hát đi sâu vào trong tâm hồn. Bây giờ sử thi là một phần cuộc sống của ông. Ngưng một lúc, ông chuyển sang hát một đoạn sử thi bằng tiếng Gia Rai, rồi cười tươi nói, bài hát này mang ý nghĩa về việc ở hiền gặp lành. Ông thường xuyên hát cho con cháu và người trong làng nghe, để người dân biết nhìn nhận cái tốt, tránh những cái xấu. Bây giờ già chỉ còn hát kể được 4 bài sử thi.

Ông kể: Trước đây già là người ở thôn Plei Pông (xã Ayun, huyện Mang Yang) đem lòng yêu cô sơn nữ người Gia Rai ở thôn Prông Thông nên về đây ở với nhau. Ông học tiếng Gia Rai để hòa nhập với mọi người. Từ đó, trong những ngày lễ hội của làng ông hát kể sử thi bằng tiếng Gia Rai cho mọi người nghe. Bây giờ đã bước qua tuổi 100 trí nhớ không còn như trước, nhưng ông vẫn nhớ lần được mời đi giao lưu hát kể sử thi tại Vũng Tàu, được nghe nhiều sử thi thần thoại của các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc.

Anh Siu Lol, bí thư chi bộ thôn Prông Thông cho biết: thôn có hơn 230 hộ, 90% là người Gia Rai nhưng chỉ có mỗi già Dach là biết hát kể sử thi. Người dân nơi đây phải lo gánh nặng kinh tế gia đình nên không còn ai mặn mà với sử thi. Già Dach giờ không còn lên rẫy nên già ở nhà ngồi đan đơm, gùi, để bán kiếm thêm thu nhập.

Kho tàng sống của làng Châu

Buổi chiều ở làng Châu, xã Chư Krêy (huyện Kông Chro, Gia Lai) tĩnh lặng. Nơi xứ đất cằn cơn gió hanh khô hất thẳng từng lớp bụi vào mặt người đi đường. Trong ngôi nhà sàn giữa làng thỉnh thoảng vọng ra những câu hát của một cụ ông. Đáp lại lời chào của chúng tôi, ông cười móm mém niềm nở mời vào nhà. Ông là nghệ nhân Đinh Rung, bà con nơi đây vẫn thường nói ông là báu vật sống, là người kể sử thi cuối cùng của làng.

Ánh mắt của người đàn ông ngoài lục tuần đăm chiêu: Có lẽ một trong những điều bí ẩn nhất văn hóa Tây Nguyên là sử thi. Hát kể sử thi được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Người Êđê gọi sử thi là Klei Khan, còn người Ba Na gọi là Hơ Mon.

Dưới mái nhà sàn của người dân tộc Ba Na, được nghe lời Hơ mon (sử thi) của nghệ nhân Đinh Rung như lạc bước vào thế giới mộng ảo với hình ảnh các vị thần, anh hùng, không gian cổ xưa của người Ba Na. Dường như ai cũng mường tượng ra bức tranh về tình yêu bi thương của đôi trai gái khi nghe ông hát kể sử thi “Jơn Mâu”. Gương mặt, ánh mắt của ông biểu hiện sinh động tính cách, tình cảm của từng nhân vật trong câu chuyện với chất giọng như ru, truyền cảm. Những ca từ gieo vần điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc da diết, lúc ai oán xen lẫn với tiếng sáo đing pút dìu dặt kết hợp cử chỉ, điệu bộ của nghệ nhân khiến người nghe như bị thôi miên.

Ông Đinh Rung bảo đây là câu chuyện có thật của vùng đất Kông Chro được lưu truyền nhiều đời nay. Sử thi “Jơn Mâu” được kể nhiều nhất tại làng Châu. Câu chuyện tình yêu bi thương của đôi nam nữ có quan hệ huyết thống bị gia đình cấm cản. Họ dắt nhau đến núi Kông Chro quyên sinh. Tiếc thương cặp đôi, dân làng đã góp gà heo…đưa về làng làm ma chay. Trong giây phút ấy người dân cất tiếng hát buồn và lưu truyền nhiều đời nay. Là bài hát buồn nhưng mang tính giáo dục cao. Hát để răn dạy, nhắc nhở con cháu nhìn vào đó để không đi sai đường, tránh nạn tảo hôn.

Gian nan truyền nghề

Ráng chiều đỏ rực một góc trời, khói bếp phảng phất từ những nóc nhà, nghệ nhân Đinh Rung trầm ngâm: Người già như mặt trời nghiêng bóng, sẽ khuất về phía chân trời. Cơn lốc của cuộc sống hiện đại đẩy sử thi vào cõi cô đơn. Lớp trẻ không còn mặn mà với sử thi, người già nhớ sử thi chỉ biết ngồi bên đống lửa le lói ở góc nhà lẩm nhẩm một mình.

Nghệ nhân Đinh Rung nói về sử thi Ba Na

Già Đinh Rung có 4 người con nhưng không ai chịu hát sử thi. Trước đây trong làng nhiều người tìm đến nhờ già dạy hát nhưng chỉ được một thời gian họ bỏ vì sử thi vừa dài vừa khó nhớ. Bây giờ những người biết hát đã đi về bến nước ông bà cả rồi. Sử thi mai một dần mặc dù nó đã từng là nét sống vô cùng quan trọng của đồng bào nơi đây.

Còn già Dach thì nói: Ngày trước hầu như buồn nào cũng có 1 -2 nghệ nhân kể sử thi, gần đây không gian diễn xướng bị thu hẹp thậm chí mất đi, số lượng nghệ nhân vơi đi nhiều. Những người bạn thường thi hát kể sử thi với già giờ đã về cõi A Tâu cả rồi. Nếu mai này già về cõi A Tâu, cả làng này chẳng còn ai biết hát sử thi nữa. Tôi có 6 đứa con nhưng chúng không muốn học, chúng kêu khó thuộc khó hát, chỉ thích nghe nhạc hiện đại.

Ông Khương Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Chư Krêy cho biết: Cả làng Châu giờ chỉ còn mình nghệ nhân Đinh Rung thuộc và hát kể được sử thi. Vì vậy, xã thường xuyên động viên già dạy lại cho con cháu bà con trong làng, hy vọng tìm được truyền nhân, kế thừa những giá trị tinh hoa văn hóa của bà con. Nghệ nhân Đinh Rung là một trong 8 cá nhân của tỉnh Gia Lai vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (đợt 2 năm 2019) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Nguyễn Thảo

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tron-tinh-voi-su-thi-1465596.tpo