Trọn tình nước non cùng Mẹ Việt Nam Anh hùng

Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến mãi mãi được khắc ghi. Và sự cống hiến, hy sinh đó của các anh hùng liệt sĩ to lớn bao nhiêu thì những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: 'Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi...'.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam lấy nguyên mẫu từ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng dân tộc

Vùng đất Quảng Nam có một “địa chỉ đỏ”, đó là tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (Mẹ VNAH). Tượng đài lấy nguyên mẫu từ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có 12 người con, gồm 11 trai và một gái thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và là con gái duy nhất là thương binh cũng là Mẹ VNAH khi có chồng và hai con gái là liệt sỹ.

Có câu chuyện kể rằng vào năm 1998, khi một đoàn khách nước ngoài đến thăm mẹ Thứ, một nhà báo, cựu chiến binh người Hàn Quốc đã hỏi Mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á Đông, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn tiếp tục động viên những người con khác ra mặt trận?”.

Mẹ Thứ điềm tĩnh trả lời: “Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Người cựu chiến binh Hàn Quốc sững người, rưng rưng nước mắt rồi thấp người xuống, cầm tay xin lỗi mẹ…

Bức ảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy đã diễn tả trọn vẹn những mất mát, hy sinh, nỗi đau của Mẹ VNAH mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh.

Năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có hiệu lực 1/12/1994. Đến nay sau gần 30 năm thực hiện Pháp lệnh, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng hàng trăm ngàn Mẹ VNAH (theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2020, sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng là 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ...). Và công tác này vẫn đang được tiếp tục tiến hành.

Mới đây nhất, ngày 27/8/2024, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 45 cho 7 mẹ. Đó là mẹ Đặng Thị Muội (huyện Nhà Bè), mẹ Nguyễn Thị Đến (quận Gò Vấp), mẹ Huỳnh Thị Nho và mẹ Nguyễn Thị Mười (huyện Hóc Môn), mẹ Trần Thị Đặng (quận 12), mẹ Lưu Thị Mứt (huyện Bình Chánh), mẹ Lê Thị Giọi (huyện Củ Chi). Các mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 27/8/2024, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 45 cho 7 mẹ. (Nguồn: Thành ủy TP HCM)

Ngày 27/8/2024, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã trang trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 45 cho 7 mẹ. (Nguồn: Thành ủy TP HCM)

Thay mặt gia đình, thân nhân các gia đình người có công, ông Huỳnh Công Thắng (cháu nội Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Đặng) gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã ghi nhận và truy tặng danh hiệu cao quý đối với những người mẹ đã chịu nhiều mất mát, hy sinh. “Tôi chắc rằng các bà, các mẹ nơi suối vàng sẽ mãn nguyện, ấm lòng với sự ghi công bằng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là niềm tự hào của các gia đình có các mẹ được Đảng, Nhà nước vinh danh”, ông Huỳnh Công Thắng bày tỏ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: “Việc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các mẹ. Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là vô cùng cao quý, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc”. Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 5.481 Mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó có 69 mẹ còn sống...

Hơn 2 nghìn Mẹ VNAH còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời

Còn nhớ, tháng 7/2020, lần đầu tiên có một chương trình gặp gỡ các Mẹ VNAH với số lượng lớn và được tổ chức tại Thủ đô đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đó là sự kiện “Gặp mặt đại biểu Mẹ VNAH toàn quốc” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan trung ương tổ chức.

Trước đó, trong buổi tiếp đón 300 Mẹ VNAH về Hà Nội dự sự kiện, trò chuyện với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Mẹ VNAH Võ Thị Tẩu (94 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) rất vui. Mẹ Võ Thị Tẩu cười tươi: “Mẹ vui lắm, không thấy mệt”. Cùng dòng cảm xúc đó, mẹ Hoàng Thị Bật (85 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ. “Ra Hà Nội, mẹ được gặp nhiều bà mẹ khác và nói chuyện rất vui. Nhờ chương trình, mẹ được ra Thủ đô và thăm Lăng Bác, xúc động và phấn khởi lắm. Từ hôm nghe tin, mẹ mong mãi”...

Theo Bộ LĐ,TB&XH, đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội. Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng. Đồng thời, tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Mẹ VNAH còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...

Các Mẹ Việt Nam anh hùng tại sự kiện Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức tháng 7/2020.

Các Mẹ Việt Nam anh hùng tại sự kiện Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức tháng 7/2020.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, công tác chăm lo người có công rất được chú trọng. Bộ đã hoàn thành toàn bộ chương trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, với hơn 80 nghìn hồ sơ tồn đọng, đáp ứng mong mỏi của thân nhân và người dân; Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1,091 triệu người có công với kinh phí ước khoảng hơn 16,104 nghìn tỷ đồng...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm 2024 đối với lĩnh vực người có công đó là hình thành Ngân hàng gen ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân để đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư, để phục vụ lưu trữ, tìm kiếm lâu dài. “Để thân nhân liệt sĩ được giám định gen và giám định gen tất cả mộ liệt sĩ còn hài cốt, điều này bớt đi day dứt của thân nhân liệt sĩ chưa tìm được người thân, hướng tới hình thành ngân hàng ADN, trên tinh thần “làm một lần để cho các thế hệ sau”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đã phát sinh một số bất cập cần giải quyết như các trường hợp chưa thể xem xét giải quyết, chủ yếu là do đối tượng chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành hoặc hồ sơ không đủ căn cứ.

Quá trình tổ chức thực hiện còn một số vướng mắc, tập trung vào một số vấn đề, cụ thể: việc người kê khai đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và người nhận hưởng các chế độ, chính sách có liên quan; các trường thông tin trong mẫu biểu, bản khai, số lượng hồ sơ chưa phù hợp với các quy định của Luật Căn cước năm 2023, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và việc đơn giản hóa thủ tục hành chính... Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tron-tinh-nuoc-non-cung-me-viet-nam-anh-hung-post524272.html