Tròn mắt thấy cào cào, châu chấu, dế nhảy loạn giữa lòng thành phố

La liệt châu chấu, cào cào, dế to, dế nhỏ… được đóng trong những chiếc túi bóng hoặc nhốt trong những chiếc chai nhựa bày bán thành dãy từ sáng sớm ngay dọc trước cửa đền Kỳ Cùng, TP. Lạng Sơn.

Dù chỉ bán ngoài vỉa hè, trong phạm vi diện tích nhỏ hẹp nhưng nơi góc chợ Kỳ Lừa này có bày bán đủ các loại côn trùng bán đúng giá, chẳng ai nói thách bao giờ. Châu chấu, cào cào thì 7.000 – 8.000 đồng /túi/ khoảng 15 -17 con đã gói sẵn. Riêng dế thì có dế loại nhỏ chưa có cánh cứng và dế loại to (dế già) có cánh cứng và có thể bay được. Tùy người mua lựa chọn nhưng giá các túi/ chai dế này đều có giá dao động từ 7.000 - 9 .000 đồng/ khoảng 15 - 20 con dế.

Những con châu chấu là món ăn khoái khẩu của rất nhiều loại chim như chào mào, chích chòe...

Dế non béo múp chưa có cánh cánh rất được ưa chuộng vì những con chim bé có thể ăn được và nó chứa nhiều chất dinh dưỡng bổ sung cho chim.

“Tôi bán côn trùng ở chợ này cũng nhiều rồi. Hôm nào đúng chợ thì mới mang bán chứ ngày thường ít người mua. Ngày xưa nơi đây chỉ có hai ba người bán, sau rồi được người chơi chim, cá cảnh biết đến truyền tai nhau nên chợ ngày càng đông lên. Người bán ở đây chủ yếu là bà con từ các vùng quê ven thành phố như Xuân Long, Hòa Cư, Tràng Các" … chị Thiêm chia sẻ.

Góc chợ bán côn trùng có một không hai giữa lòng thành phố.

Có ngày phơi nắng cả ngày, hoặc cả buổi tối bắt châu chấu, bắt dế cũng chỉ bán được vài chục nghìn. Nhưng vào mùa côn trùng có khi được 150.000- 200.000 đồng mỗi phiên bán. Thậm chí, nhiều hơn nữa là tùy lúc bắt được ít hoặc nhiều. Mùa hè, mấy đứa trẻ con đi bắt phụ thì được nhiều hơn.

“Ngày trước, châu chấu, dế, cào cào… kiếm được nhiều hơn bây giờ. Giờ nhu cầu tăng, côn trùng ngày càng khan hiếm, phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu nhiều nên chẳng còn mấy. Riêng dế thì phải cất công vào buổi tối thì mới bắt được nhiều, vừa ngồi bán các bà, các chị ngồi kể.

Hàng dãy dài bày bán toàn các loại côn trùng. Nhiều người đến để mua nhưng cũng không ít người đến để xem vì tò mò.

Trung bình mỗi túi cũng bán được với giá 7.000 đồng.

Anh Hải, phường Vĩnh Trại cho biết, chợ có bán nhiều loại nhưng phải biết chọn mua những túi dế hoặc châu chấu còn sống, như vậy chim ăn mới đảm bảo. “Chợ bán nhiều vậy thôi nhưng đến gần trưa là hết sạch, không nhanh là chim lại phải nhịn”, anh Hải cười nói.

Dế, châu chấu, cào cào được bỏ vào túi có đục lỗ bé bé trước để cho khách mua dễ dàng lựa chọn.

Vẫn còn đang kỳ nghỉ hè nên những đứa trẻ vùng quê cũng phụ bố mẹ đi bắt châu chấu, dế mang ra chợ bán.

Dù diện tích nhỏ hẹp. không có không gian bày bán nhưng góc bán côn trùng này luôn luôn đông khách.

Bà Hợi (46 tuổi) ở huyện Cao Lộc cho biết, "Bán côn trùng chỉ là nghề phụ, bà thường tranh thủ lúc rảnh đi bắt mang bán. Nghề này không mất vốn, chủ yếu mình bỏ công đi bắt. Châu chấu, cào cào thì bắt ở bờ ruộng, đồi cỏ, còn dế thì bắt ngoài vườn chỗ ẩm thấp. Dế đặc biệt trú ngụ nhiều ở dưới những đống cây cỏ bỏ đi ở ngoài vườn lâu ngày đang mục dần”.

Từ ngày có góc chợ bán côn trùng, dân chơi chim và buôn bán chim cũng tụ tập về đây để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Với những người đam mê chơi chim đôi khi mỗi con chim có thể có giá từ vài triệu vài chục triệu, nhưng với những người bình thường không nhìn thấy được giá trị thì những chú chim đó cũng chỉ là những con chim bình thường.

Chang Liễu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ngon-sach-la/tron-mat-thay-cao-cao-chau-chau-de-nhay-loan-giua-long-thanh-pho-902388.html