Trọn lời hứa với đồng đội

Đã hơn 6 năm trôi qua, gia đình ông Lê Văn Sĩ ở xã Tam Lộc (Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn chưa hết xúc động khi nhớ ngày đón hài cốt em trai mình là liệt sĩ Lê Văn Nông về an táng tại quê hương. Hạnh phúc ấy gắn liền một người đồng đội của liệt sĩ mà bây giờ đã như thành viên của gia đình, đó là Thiếu tướng Thái Đại Ngọc - Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, QĐNDVN.

Đã hơn 6 năm trôi qua, gia đình ông Lê Văn Sĩ ở xã Tam Lộc (Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn chưa hết xúc động khi nhớ ngày đón hài cốt em trai mình là liệt sĩ Lê Văn Nông về an táng tại quê hương. Hạnh phúc ấy gắn liền một người đồng đội của liệt sĩ mà bây giờ đã như thành viên của gia đình, đó là Thiếu tướng Thái Đại Ngọc - Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, QĐNDVN.

Học viên Lê Văn Nông (giữa) với Đại tướng Chu Huy Mân (trái) và Thượng tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: T.L

Học viên Lê Văn Nông (giữa) với Đại tướng Chu Huy Mân (trái) và Thượng tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: T.L

Thượng sĩ Lê Văn Nông là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 khóa 1985-1988, có nhiều thành tích xuất sắc, được bầu chọn là học sinh tiêu biểu và được vinh dự chụp ảnh cùng Đại tướng Chu Huy Mân và Thượng tướng Nguyễn Quyết trong dịp các đồng chí về thăm trường. Cuối năm 1987, trong một lần đi truy quét Pol Pot trong rừng sâu tỉnh Kô Kông, Lê Văn Nông đã hy sinh. Đến năm 1989, Đội K93, Quân khu 9 đưa hài cốt về nước. Tuy nhiên theo Ban chỉ huy Đội, có thể đang thời điểm chiến đấu nên việc làm dấu bia mộ bằng loại vật liệu dễ phai màu hoặc do nhiều lần di dời trước khi về nghĩa trang Dốc Bà Đắc, Tịnh Biên, An Giang mà mộ chỉ còn cái tên “Lê Văn Nông, Quảng Nam”. Vì thiếu thông tin nên việc tìm kiếm liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Thiếu tướng Thái Đại Ngọc là học viên cùng khóa với Lê Văn Nông. Hai anh em quý nhau ở tình đồng hương Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông Ngọc vẫn còn nhớ như in cái đêm trước khi đi chiến trường Campuchia. Thái Đại Ngọc chiến đấu ở Xiêm Riệp, Lê Văn Nông ở Kô Kông. Anh Nông tuổi đời lớn hơn và sự từng trải trong quân ngũ đã căn dặn người em rất tỉ mỉ cách phòng tránh mìn của Pol Pot, việc sinh hoạt ở địa bàn rừng sâu… Đó cũng là kỷ niệm cuối cùng của hai người. Suốt 25 năm sau ngày bạn hy sinh, ông Ngọc vẫn đau đáu một lời hứa phải tìm cho được hài cốt đồng đội mang về. Năm 2012, khi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, ông Ngọc liền giao nhiệm vụ cho đồng chí Chủ nhiệm Chính trị và trợ lý chính sách của đơn vị mình liên hệ với các đơn vị tìm cho ra hồ sơ và mộ chí liệt sĩ Lê Văn Nông. Khi được xác minh hài cốt quy tập ở Quân khu 9, Thiếu tá Lưu Thế Long, trợ lý chính sách Sư đoàn báo ngay với ông Lê Văn Sĩ, anh trai Lê Văn Nông và cả hai cùng “hành phương Nam”. Mọi chi phí trong chuyến đi, Sư đoàn lo hoàn toàn. Vào Quân khu 9, hai anh em nhận được sự giúp đỡ chân tình, tạo điều kiện thuận lợi của Quân khu bạn và Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang. Đứng trước mộ em trai, ông Sĩ không cầm được nước mắt. Chiếc ba lô của em trai do đồng đội mang về ngày trước chứa nhiều kỷ vật, trong đó có cuốn sổ nhật ký, những bức thư chưa kịp gửi càng làm cho gia đình nhớ thương, day dứt suốt thời gian qua.

Ngày 2-6-2012, tàu về Tam Kỳ, xe của Sư đoàn 315 đưa hài cốt liệt sĩ về UBND xã Tam Lộc. Ông Lê Văn Sửu (nay đã mất), cha của liệt sĩ Lê Văn Nông giữ khư khư tấm ảnh con trai chờ đợi… Khi xe về đến nơi, ông ôm hài cốt con khóc, khiến mọi người xung quanh cũng rơi lệ. Đón hài cốt liệt sĩ hôm ấy còn có nhiều bạn cùng lớp ở trường Sĩ quan Lục quân 2, từ các nơi cấp tốc bắt xe ra Quảng Nam. Đến bây giờ bà con xã Tam Lộc vẫn còn nhắc về những đồng đội của liệt sĩ Lê Văn Nông. Mọi người bảo nhau: "Bộ đội cụ Hồ thật là nghĩa tình thủy chung!".

HỒNG VÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_200684_tron-loi-hua-voi-dong-doi.aspx