Trọn đời dành cho biên ải

Tôi may mắn được trở thành một người chiến sĩ cầm bút, đi qua nhiều vùng đất biên cương, hải đảo, được sống, làm việc và kết thân với nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó đặc biệt nhất là Bộ đội Biên phòng. Hơn 10 năm rong ruổi ấy, tôi đã chứng kiến và cảm động trước cuộc đời nhiều đồng đội quân hàm xanh mà tâm huyết của họ trọn đời dành cho biên ải.

Đại tá Phan Hồng Minh trong lễ tiếp nhận tài trợ và phát động chương trình nâng bước em đến trường năm 2014 tại Mường Tè, Lai Châu (thứ 4 từ phải sang). Ảnh: Hoàng Giang

Biên giới là quê hương

Có một người chỉ huy biên phòng ở địa phương tận cùng phên giậu phía Bắc mà mùa đông năm nào anh cũng gọi điện cho tôi rồi nói: “Nhà báo à, trên này rét quá, trường lớp đóng băng cả rồi. Cậu xem xin cho bọn trẻ ít chăn ấm đi…”. Anh là Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Lai Châu, một tỉnh biên giới thuộc diện xa xôi, khắc nghiệt nhất của đất nước. Ở nơi toàn tuyến mấy trăm km đường biên, có những đồn (ở huyện Mường Tè) cách xa tỉnh lỵ ngót 300km, phụ cấp khu vực 100%, có những xã bầu cử Đại biểu Quốc hội cùng với huyện đảo Trường Sa.

Tôi biết Đại tá Phan Hồng Minh từ ngày anh còn đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Lai Châu. Anh Minh sinh năm 1966, quê ở Phú Thọ, nhập ngũ năm 1983 và từ năm 1986 đã gửi cuộc đời lên biên giới Lai Châu đến tận hôm nay… Năm 2010, sau lần phối hợp cùng anh tổ chức huy động tài trợ dựng nhà mái ấm biên cương cho đồng bào La Hủ ở Mường Tè thì anh em biết nhau. Gần chục năm rồi, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần anh gọi điện cho tôi chỉ để nói chuyện xung quanh việc tài trợ học hành cho trẻ vùng cao.

Đầu năm 2013, anh gọi điện cho tôi rồi nói, Giang à, trên này còn nhiều điểm trường khó khăn quá. Gọi là trường mà không bằng cái chuồng trâu, chuồng bò… Thầy cô giáo và học sinh khổ lắm. Mùa mưa thì lầy lội, mùa hè thì nóng rát, mùa đông thì rét thấu xương. Anh em mình bàn nhau xem huy động nguồn lực xây dựng một số điểm trường giúp đồng bào đi. Năm đó, Điểm trường Mầm non Lả Nhì Thàng và Nhà bán trú Trường THCS Sì Lờ Lầu (huyện Phong Thổ) trị giá hơn 260 triệu đồng được chúng tôi phối hợp với Bộ đội Biên phòng Lai Châu xây dựng xong.

Hôm chúng tôi lên khánh thành, đi bộ 4 tiếng đồng hồ vào Lả Nhì Thàng, cô hiệu trưởng Phạm Bạch Ngọc cứ khóc và cảm ơn mãi. Tôi nói, công anh Minh đó thì anh không nhận, cứ né hết.

Năm 2014, Đại tá Phan Hồng Minh gọi điện cho tôi nói, năm nay anh em mình đi xa nhé, vào Mường Tè, tuyến biên giới hiểm trở và khó nhất của tỉnh Lai Châu và cả nước (cách tỉnh lỵ hơn 200km). Mùa mưa năm đó, chúng tôi xin tài trợ từ các công ty thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được hơn 300 triệu đồng xây dựng Nhà bán trú tại Trường THCS Bán trú Tá Bạ của Mường Tè. Tháng 9, đoàn vào khánh thành nhà mà mưa lớn, tắc đường, Đại tá Phan Hồng Minh chật vật cùng anh em móc cáp kéo xe, cuốc đất lấy đường để đến với thầy trò Tá Bạ. Hôm bàn giao, thầy hiệu trưởng Phạm Anh Dũng xúc động lắm, còn các cháu học sinh cứ chạy quanh nắm vạt áo Đại tá Minh dù chẳng nói gì. Năm 2015 chúng tôi lại cùng anh kêu gọi xây dựng Điểm trường Tiểu học số 1 Ka Lăng, Mường Tè trị giá 200 triệu đồng; năm 2016 huy động gần 200 triệu đồng xây dựng Công trình cấp nước sạch cho trường học tại xã Dào Dan, huyện Phong Thổ...

Đại tá Phan Hồng Minh tặng áo ấm cho các cháu Trường Mầm non Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ. Ảnh: Hoàng Giang

Đồng bào là anh em ruột thịt

Ai lên Lai Châu mà chưa đi biên giới thì chưa phải đến Lai Châu. Và nếu đến biên giới Lai Châu có hỏi cán bộ biên phòng “Minh đen” thì hầu như ai cũng biết. Trong nhiều năm qua, Đại tá Phan Hồng Minh là người trực tiếp kết nối, tổ chức kêu gọi các cơ quan tổ chức, cá nhân như Báo Quân đội nhân dân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty sữa TH Truemilk, Đại học Kinh tế quốc dân… huy động nhiều tỷ đồng tài trợ xây dựng trường học, nhà bán trú, nhà ăn, tặng hàng nghìn chăn, áo ấm, giày dép, 4.200 suất quà, và 25.000 thùng sữa… cho thầy trò vùng cao Lai Châu.

Đặc biệt chương trình Nâng bước em đến trường của Bộ đội Biên phòng Lai Châu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Phan Hồng Minh đã giúp hàng trăm em học sinh nghèo tới trường. Hiện tại, đang có 61 em học sinh được Bộ đội Biên phòng Lai Châu nhận nuôi dưỡng và đỡ đầu, trong đó có 3 em là Đại tá Phan Hồng Minh trực tiếp tài trợ. Kết quả học tập năm học 2016 - 2017 có 7 em đạt học sinh giỏi, 51 em học sinh khá và 3 em học sinh trung bình.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu xây dựng 1 nhà Khăn quàng đỏ tặng em học sinh Giàng A Tính mồ côi cha mẹ tại bản Xín Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ trị giá 80 triệu đồng; tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của xã Mù Sang trị giá 5 triệu đồng; phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Lâm Thao và Chùa Cao Linh Hải Phòng tổ chức tết thiếu nhi và tặng 150 suất quà cho các em thiếu nhi tại xã Mù Sang…

Còn nhớ cuối năm 2016, có em bé dân tộc Dao 10 tuổi tên là Tẩn Tả Mẩy ở xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ bị bệnh nặng về mắt mà nhà nghèo quá không có tiền chữa bệnh, đành nằm chờ chết. Đại tá “Minh đen” đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Biên phòng tỉnh lặn lội đến tận gia đình, bỏ tiền túi ra ủng hộ, cùng với các nhà hảo tâm đưa cháu ra thành phố Lai Châu khám bệnh. Sau đó anh huy động thêm mấy chục triệu đồng tài trợ đưa cháu bé về Hà Nội mổ mắt thành công. Hiện tại, cháu Mẩy đã lành bệnh và đi học bình thường, Đại tá Phan Hồng Minh nhận đỡ đầu và xin được một sổ tiết kiệm 30 triệu đồng dành cho cháu. Em bé người Dao nói tiếng Kinh bập bẹ, chẳng biết cảm ơn người giúp mình ra sao, thế mà mỗi lần gặp Đại tá Minh, nước mắt nó lại trào ra…

Ở Lai Châu có 21 dân tộc anh em, đồng bào thiểu số, nhiều người chưa nói sõi tiếng phổ thông, họ cũng chẳng hiểu đại tá là gì, chính ủy to hay bé… Thế nhưng mỗi lần người già, người trẻ ở biên cương nhìn thấy ông bộ đội quân hàm xanh có nước da đen cháy, trên ngực đeo tấm bảng tên Phan Hồng Minh là họ mừng lắm, họ biết ơn lắm. Có một Chính ủy như thế!

Hoàng Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/tron-doi-danh-cho-bien-ai_t114c1159n138048